Thứ 6, 10/05/2024, 15:33[GMT+7]

Nét đẹp văn hóa đọc ở Trường Sa

Thứ 3, 17/04/2018 | 09:05:04
2,585 lượt xem
Đến với Trường Sa, chúng tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất Tổ quốc nơi đầu sóng mà còn chứng kiến một nét đẹp về văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A tại thư viện.

Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết: Giữa mênh mông sóng nước, khi mà các phương tiện thông tin, giải trí đều thiếu thốn thì sách, báo luôn được mọi người xem như là người bạn thân thiết, trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ. Ở mọi điểm đảo, sách, báo đều được sắp xếp gọn gàng trên giá và ưu tiên đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong phòng Hồ Chí Minh để cán bộ, chiến sĩ dễ dàng tìm đọc. Mỗi đảo có cả nghìn đầu sách, báo thuộc nhiều thể loại: Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử, chính trị, pháp luật, xã hội, danh nhân, đối nhân xử thế, văn hóa, phong tục, sách tiếng Anh… và một phần không nhỏ là sách văn học.

Không chỉ trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây mà sách, báo còn giúp những người lính đảo bổ sung thêm nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Là lính thông tin, ngoài thời gian huấn luyện chiến đấu, Trung úy Nguyễn Văn Việt, công tác tại đảo Trường Sa Đông thường lên thư viện của đảo để tìm đọc, tra cứu các tài liệu về chuyên môn, phục vụ trong công việc. Đặc biệt, Trung úy Việt có niềm đam mê với môn tiếng Anh từ khi còn đi học nên thời gian trên đảo, Việt thường tranh thủ tự học thêm tiếng Anh thông qua các sách, báo, tạp chí tại thư viện.

Thư viện ở đảo Trường Sa có trên 6.000 đầu sách, hơn 30 đầu báo, tạp chí và một tủ sách pháp luật, phục vụ nhu cầu giải trí, học tập của cán bộ, chiến sĩ sau giờ huấn luyện, lao động căng thẳng. Phòng đọc rộng rãi, thoáng mát. Những ai không có thời gian đọc tại thư viện có thể mượn sách về phân đội đọc những khi rảnh rỗi. 

Hôm đoàn công tác ghé thăm, chiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyến (đảo Trường Sa) ngại ngùng chia sẻ: Bình thường ở nhà, hầu như em chẳng bao giờ đụng đến sách, báo vì đã có tivi, máy tính, internet... Ra đảo rồi, không có những thứ đó nên ban đầu chúng em mới bất đắc dĩ tìm tới sách cho đỡ buồn. Lâu dần đọc thành quen, thậm chí còn thích vì sách, báo mở ra cả trời tri thức mới mẻ và thú vị.

Trung tá Lương Quốc Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Ngoài thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Chỉ huy đảo còn yêu cầu các chiến sĩ chủ động làm phong phú đời sống tinh thần của mình thông qua việc tìm hiểu, tra cứu tài liệu, sách báo ở thư viện. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn xem sách là người thầy tài hoa, người bạn thân thiết, nguồn tư liệu quý giá giúp tích lũy kiến thức để làm phong phú thêm tri thức.

Phong trào đọc sách ở Trường Sa không chỉ được duy trì và phát triển trong cán bộ, chiến sĩ mà đã lan tỏa mạnh mẽ đối với những người dân sinh sống trên đảo, đặc biệt là các em nhỏ. Không có điều kiện tiếp xúc với nhiều trò chơi, thiết bị điện tử thông minh như trẻ em trong đất liền, ngoài thời gian lên lớp hay chơi các trò chơi dân gian, các em nhỏ ở Trường Sa dành phần lớn thời gian rảnh cho các thể loại sách, truyện. 

Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Trường Sa, em Nguyễn Phong Đạt, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa đã vô cùng thích thú khi nhận được quà là những quyển truyện tranh cũ mà một thành viên trong đoàn công tác gửi tặng. Cậu bé tâm sự: Với em, đọc sách, truyện không chỉ giúp mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp em có những phút giây thư giãn, giải trí. Em yêu thích nhất là truyện tranh, đặc biệt là các cuốn truyện tranh về lịch sử nước mình. Đọc sách giúp em hiểu và yêu hơn quê hương, đất nước mình.

 Thầy giáo Phạm Trung Việt, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ: Giờ đọc truyện luôn là tiết học ngoại khóa được các em học sinh trên đảo yêu thích nhất. Với các em, những cuốn sách ấy không chỉ có hình vẽ đẹp, những câu chuyện hay mà còn mở ra một thế giới kỳ diệu của trí tưởng tượng. Có chứng kiến niềm vui sướng của các em nhỏ nơi đây khi nhận được bút chì, giấy màu và truyện tranh, mới thấy hết được niềm ham mê đọc và vẽ của những mầm non nơi đảo xa.

Sách, báo là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.
Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B tra cứu tài liệu tại thư viện.

Theo Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung sách, truyện, tạp chí cho các thư viện ở Trường Sa. Bên cạnh đó, các đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội. Mặc dù do khoảng cách và điều kiện vận chuyển nên sách, báo khi ra đến đảo đã cách ngày xuất bản đến cả tháng nhưng các chiến sĩ vẫn luôn trân quý, bởi chưa đọc, chưa xem nghĩa là vẫn còn mới.

Nguyễn Thơi