Thứ 5, 09/05/2024, 23:50[GMT+7]

Đông Hưng: Cần xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều

Thứ 5, 21/06/2018 | 08:05:00
3,304 lượt xem
Làm nhà, xây lắp cẩu, chất tải vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, ngoài bãi sông, đỉnh kè, xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng phá nát mặt đê... là những vi phạm điển hình diễn ra dọc tuyến đê tả Trà Lý qua địa bàn 10 xã của huyện Đông Hưng.

Hệ thống băng tải chất tải vật liệu xây dựng qua đê của Công ty tnhh Thương mại và Vận tải Tín Thành Hưng.

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều; chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ năm 2018, huyện Đông Hưng cần xử lý dứt điểm các vi phạm trên.

Trong Chỉ thị số 11, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi vi phạm Luật Đê điều, đặc biệt là hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Hưng vẫn tồn tại những vi phạm chưa được giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy, phá hủy công trình đường, cầu, cống, đê điều. Toàn huyện có trên 160 trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Trong 14 trường hợp vi phạm mới của năm 2018 mới chỉ có 1 trường hợp thu dỡ phần vi phạm. 

Cá biệt, có trường hợp vi phạm cũ chưa dỡ bỏ, vi phạm mới đã phát sinh như trường hợp gia đình chị Đỗ Thị Thu, thôn Hậu Trung 2, xã Bạch Đằng. Từ năm 2007, gia đình chị Thu xây dựng ngôi nhà 2 tầng kiên cố, có đủ công trình phụ trợ ngay sát chân đê tả Trà Lý với diện tích khoảng 70m2. Thế nhưng chị Thu lại khẳng định đó chỉ là nhà tạm, xây để có chỗ ở trông coi bãi vật liệu xây dựng của gia đình. 

Chị Thu cho biết: Thấy mọi nhà xây nên mình cũng xây. Cả gia đình ở chục năm nay chưa xảy ra vấn đề gì. 

Điều đáng nói là ngôi nhà cũ này chủ hộ chưa chịu tháo dỡ thì từ đầu năm 2018 tại bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng mới gia đình chị Thu lại khởi công xây dựng ngôi nhà 2 tầng kiên cố với diện tích 100m2, cách chân đê phía sông 24m, chưa có giấy phép của cấp có thẩm quyền. Lực lượng chức năng đã lập biên bản buộc gia đình chị Thu phải dừng các hoạt động xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê nhưng gia đình chị Thu vẫn “phớt lờ”, tiếp tục xây dựng nhà.

Luật Đê điều quy định hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 20m về phía sông. Vùng bãi sông không được xây dựng các công trình kiên cố để bảo đảm đường thoát lũ. Thế nhưng, ông Đỗ Chính Vượng, thôn Hậu Thượng, xã Bạch Đằng lại xây nhà ngoài bãi sông với diện tích 32m2. Sau khi lực lượng chức năng đến lập biên bản vi phạm, ông Vượng vẫn tiếp tục xây nhà, thậm chí ông còn xây thêm ngôi nhà thứ hai với diện tích 19m2 chỉ cách chân đê 7m, nằm trong hành lang bảo vệ đê. Hạt Quản lý đê điều huyện tiếp tục đến lập biên bản vi phạm, ông Vượng cam kết xin chấp hành nghiêm song khi chúng tôi đến hai ngôi nhà đã được xây dựng xong. 

Bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến cho mọi người khi đi trên đê tả Trà Lý đoạn qua xã Đồng Phú, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Tín Thành Hưng vẫn lắp hệ thống băng tải để chất tải vật liệu xây dựng qua đê, đổ vật liệu xây dựng ngay sát chân đê. Không chấp hành yêu cầu dỡ bỏ phần vi phạm của cấp có thẩm quyền.

Ông Vũ Mạnh Tường, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện cho biết: Thời gian qua, Hạt Quản lý đê điều huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra dọc tuyến đê trên địa bàn huyện, kịp thời phát hiện, phối hợp với cấp ủy, chính quyền lập biên bản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ đê, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Nhưng do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Chính quyền một số xã nơi có tuyến đê đi qua chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh các vi phạm mới. Vì vậy, để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong giải quyết vi phạm; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý đê để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc ngay từ đầu. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ và không tái lấn chiếm. Đối với các trường hợp vi phạm, cố tình không giải tỏa, tháo dỡ thì các lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế. Các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm mới...

Hiếu Nghĩa