Thứ 5, 09/05/2024, 09:46[GMT+7]

Luyện tập thể thao theo gương Bác

Thứ 7, 01/09/2018 | 09:35:06
1,868 lượt xem
Cách mạng Tháng Tám thành công, sau nhiệm vụ cấp bách diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm tới phong trào thể dục thể thao (TDTT), rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Không chỉ kêu gọi toàn dân luyện tập, Bác còn gương mẫu thực hiện trước. Đến nay, mỗi lời nói, hành động của Bác đã trở thành kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho phong trào TDTT cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng.

Các vận động viên tham gia giải vật tự do năm 2018.

Trong Sắc lệnh thành lập Nha thanh niên và thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (27/3/1946), Bác đã viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi người dân mạnh khỏe, tức là làm cho đất nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.

Lời kêu gọi của Bác là nguồn động viên to lớn đối với phong trào TDTT nước ta. Để sau hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, TDTT nước ta ngày càng đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước. Không nằm ngoài guồng quay phát triển của TDTT cả nước, qua từng giai đoạn, TDTT Thái Bình đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên bứt phá với những thành tích nổi bật. Tổ chức bộ máy TDTT tỉnh sớm được thành lập ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, năm 1960, Ban Thể dục Thể thao tỉnh ra đời. Đến năm 1982, Sở Thể dục Thể thao được thành lập, có bộ máy từ tỉnh, huyện đến cấp xã và chính thức sáp nhập với Sở Văn hóa Thông tin vào năm 1992. Sự ra đời và phát triển của hệ thống tổ chức đã tạo đòn bẩy cho phong trào TDTT tỉnh nhà những năm tiếp theo.

Ở lĩnh vực thể thao quần chúng, Thái Bình được đánh giá là một trong những tỉnh sớm có phong trào thể thao quần chúng và có nhiều điển hình tiên tiến. 

Trong những điển hình phải nhắc đến Trường cấp 2 Tán Thuật (nay là Trường THCS thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương). Vào những năm 60 của thế kỷ XX, không chỉ là đơn vị tiên tiến xuất sắc về công tác thể dục vệ sinh, Trường cấp 2 Tán Thuật còn được suy tôn là đơn vị dẫn đầu phong trào TDTT toàn miền Bắc. Đến năm 1972, phong trào thi đua học và làm theo Tán Thuật lan rộng khắp trong và ngoài tỉnh. 

Trong giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, công tác TDTT chuyển hướng theo nhiệm vụ quốc phòng với các phong trào về chạy, nhảy, bơi, bắn, võ. Phong trào “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm” phát triển sâu rộng với nhiều đơn vị điển hình tiên tiến như Nam Bình (Kiến Xương), Tây Tiến (Tiền Hải), Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ)…, góp phần đưa phong trào TDTT Thái Bình thêm những bước tiến mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giải thi đấu võ thuật năm 2018.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, hoạt động TDTT tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều phong trào sôi nổi ở các đơn vị, địa phương. Khi cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được phát động, 8 huyện, thành phố và 21 ngành, đơn vị đồng loạt ra quân hưởng ứng. Ở các cấp học, các trường đều tổ chức hội khỏe Phù Đổng. Năm 2004, đoàn học sinh Thái Bình tham gia hội khỏe Phù Đổng toàn quốc đã giành 24 huy chương, xếp thứ 24 chung cuộc. Tại các xã, phường, thị trấn, các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ, vật… thu hút đông đảo người dân tham gia. Ở các đơn vị, doanh nghiệp, phong trào TDTT được duy trì nền nếp, chất lượng ngày càng nâng cao, góp phần tăng số người tham gia luyện tập TDTT. Theo thống kê, năm 2015 toàn tỉnh có 30% dân số luyện tập thường xuyên, hàng nghìn câu lạc bộ thể thao hoạt động nền nếp.

Cùng với phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đơn vị. Ngay từ những năm 1963, 1964, ở các môn chạy, nhảy, bơi, bắn, võ giải miền Bắc, Thái Bình đã có vận động viên tham gia và đạt huy chương vàng. Chưa dừng lại ở đó, thành tích bơi lội của các vận động viên Thái Bình còn đạt giải cao ở nhiều cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. Ngoài bơi lội thì bóng chuyền, điền kinh, vật cũng là những môn mang lại nhiều thành tích đáng tự hào cho quê lúa. Đội bóng chuyền nữ của tỉnh luôn đạt kết quả xuất sắc khi 6 năm vô địch miền Bắc và toàn quốc, 11 năm xếp thứ hai, 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Từ “lò” đào tạo Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao, mỗi năm có từ 15 - 18 vận động viên được tập trung vào đội tuyển quốc gia, thi đấu các giải quốc tế.

Thể thao thành tích cao của Thái Bình không chỉ thể hiện ở số lượng huy chương ở các giải đấu, các kỳ SEA Games mà mới đây, tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018, 3 vận động viên Thái Bình là Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo (đội tuyển Rowing) và Bùi Trường Giang (đội tuyển Wushu) cũng đã mang huy chương về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Khó có thể kể hết những thành tích TDTT tỉnh nhà đạt được bởi ở lĩnh vực, bộ môn nào Thái Bình cũng có vận động viên ưu tú. Gian nan vẫn còn ở phía trước khi vươn tới ước mơ cao hơn, xa hơn song mỗi chúng ta đều có thể tự hào về những “trái ngọt” mà TDTT tỉnh nhà đã gặt hái được. Với nỗ lực của toàn ngành, sự hưởng ứng tích cực cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại của mỗi người dân, chúng ta có thể thực hiện “mỗi người dân mạnh khỏe, tức là làm cho đất nước mạnh khỏe”.

Hoàng Lanh