Thứ 4, 08/05/2024, 22:42[GMT+7]

Những người phụ nữ mạnh mẽ

Thứ 3, 08/03/2016 | 15:24:14
1,777 lượt xem
Những công việc như xây dựng, bốc vác, lái máy xúc, xe tải... vốn được mặc định dành cho phái mạnh. Vậy mà vẫn có những người phụ nữ làm những công việc đó và thành quả họ đạt được khiến cho nam giới cũng phải ngưỡng mộ.

Bà Lại Thị Ngân với công việc thường ngày.

Nhọc nhằn mưu sinh

Người ta nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nhưng khi tận mắt chứng kiến hình ảnh bà Lại Thị Ngân (thôn Vĩnh Ninh, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) đứng trên giàn giáo, tay cầm gạch, tay trộn vữa thoăn thoắt xây tường, đổ mái, tôi mới hiểu thế nào là... đàn bà xây nhà. Năm nay bước sang tuổi 60, bà Ngân đã có 40 năm gắn bó với nghề xây dựng. Còn chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) cũng đã có 4 năm lái xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng. Chị Đặng Thị Vân Anh (xã Đông Á, huyện Đông Hưng) từng có ước mơ trở thành nhân viên kế toán, ấy vậy mà bây giờ người ta thường gặp chị ngoài bến bãi nhiều hơn ở trong nhà, thời gian điều khiển máy xúc, máy múc nhiều hơn thời gian ngồi bàn giấy... Đó là một vài trong nhiều người phụ nữ "đặc biệt".

Nói về cái duyên đến với nghề, bà Lại Thị Ngân chia sẻ: Vào những năm đầu sau thống nhất đất nước, khi ấy, đàn ông hầu hết đang tại ngũ, mọi công việc người phụ nữ đều phải đứng ra gánh vác. Năm 1977, mới hai mươi tuổi, tôi được gọi đi học xây dựng. Lúc ấy, Nhà nước cần thì mình tham gia chứ nào có nghĩ đến vất vả. Với chị Nguyễn Thị Ngân, thời "đi học tiếng" có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất: Hồi ấy, vợ chồng tôi bàn bạc mua xe tải rồi chồng đồng ý để tôi đi học lái xe. Hồi đi học không dám nói với ai. Ai cũng nghĩ tôi học để đi xuất khẩu lao động. Đến lúc lái ô tô về nhà, cả xóm ngỡ ngàng chạy ra xem có thật là tôi lái xe không.

Làm nghề khác với số đông là nam giới, phụ nữ gặp không ít khó khăn. Bà Lại Thị Ngân kể: Về quê năm 1990, tôi cũng xin đi theo đoàn xây nhưng vì là phụ nữ nên người ta chỉ cho tôi làm phụ, thỉnh thoảng tôi phải xin xây giúp thợ chính. Dần dần, thấy tôi làm tốt người ta mới cho tôi vào đội xây. Còn chị Nguyễn Thị Ngân là người duy nhất theo học lớp lái xe toàn là nam giới. Chị chia sẻ, nhiều lúc cảm thấy mình cũng lạc lõng, cũng có những lời dị nghị, phải quyết tâm cao chị mới có thể hoàn thành việc học của mình. Chị Đặng Thị Vân Anh khi bắt đầu điều khiển máy xúc, máy múc cũng phải trải qua không ít những cơn say máy, những lần va chạm trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Mất hẳn một năm, chị mới có thể điều khiển thuần thục.

Làm nghề xây dựng, việc đi theo những công trình là điều bắt buộc. Bà Lại Thị Ngân kể, có những khi đi Quảng Ninh, Sơn La, Hà Nội đến hàng tháng trời mới về nhà... Con còn nhỏ cũng chẳng có nhiều thời gian ở bên cạnh chăm sóc cho con; không ít những lần phải ngủ trưa ở đường vì xe hỏng, đốt đèn trong đêm để sửa xe... Với chị Bùi Thị Thương (thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng), nhiều khi vẫn phải bê vác xi măng, xúc cát, đá trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tần suất lao động lớn...

Khi được hỏi về việc có bao giờ cảm thấy chán nản khi làm những công việc vốn dĩ thuộc về đàn ông hay không, các chị cho biết: Có những lúc mệt mỏi, suy nghĩ thoáng qua "hay là mình bỏ nghề" nhưng nghĩ đến thành quả cuối cùng lại có động lực làm tiếp. Làm quen rồi say nghề từ khi nào không hay.

Vượt lên trên tất cả, họ đã chứng minh mình có thể làm được những điều tưởng như không thể. Bà Lại Thị Ngân đã trở thành thợ xây chính trong nhiều công trình; chị Nguyễn Thị Ngân đã là một lái xe uy tín, được nhiều chủ hàng tin cậy; chị Đặng Thị Vân Anh một ngày có thể múc hàng trăm khối cát, đá mà vẫn kiêm luôn công việc kế toán; chị Bùi Thị Thương cùng một nữ nhân công có thể bốc dỡ hàng chục tấn xi măng, hàng vạn gạch trong một ngày.

Vẫn tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ

Trong xã hội, họ là người phụ nữ mạnh mẽ, có thể xây nhà, có thể lái ô tô, có thể làm những việc "phi thường" nhưng khi về với gia đình họ lại trở về với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chị Bùi Thị Thương bồi hồi khi nghĩ về những đứa con: Con cái là động lực khiến tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành công việc. Các con cũng hiểu lòng chị. Nguyễn Thành Công từng tâm sự với mẹ: Theo mẹ đi làm, thấy mẹ vất vả quá con sẽ cố gắng học thật giỏi. Cũng trong năm đó, em thi đỗ vào lớp chọn của một trường THPT với số điểm rất cao khiến chị Thương vô cùng hạnh phúc. Chị Đặng Thị Vân Anh tâm sự: Các con tôi đều còn nhỏ, cháu lớn mới 5 tuổi, cháu thứ hai mới 3 tuổi nên tôi phải cân bằng giữa việc chăm sóc con và công việc. Sáng sáng, chị Vân Anh vẫn dành thời gian đưa con đi học, đi chợ để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Ngoài thời gian đi xây, bà Lại Thị Ngân vẫn có thể đảm nhiệm 7 sào lúa, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, cải thiện kinh tế gia đình...

Cuộc sống, mưu sinh đã biến những con người "chân yếu tay mềm" trở nên cứng cỏi, biến những bông hồng trở nên sắt đá. Nhưng nổi bật lên trên hết là đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn chịu thương chịu khó, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh vì gia đình, vì chồng, vì con. Hãy luôn yêu thương, trân trọng những người phụ nữ quanh ta bởi họ thực sự xứng đáng!

Thanh Bình
(Đông Hưng)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày