Thứ 5, 09/05/2024, 07:39[GMT+7]

Triệu phú - nhờ trồng nấm

Thứ 4, 27/04/2016 | 08:38:03
2,333 lượt xem
Năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, biết tranh thủ khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tưởng ở Họ giáo Khuốc, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu (Đông Hưng) đã vươn lên làm giàu với nghề trồng nấm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Anh Nguyễn Văn Tưởng kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của phôi nấm.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại sản xuất nấm của gia đình, anh Tưởng kể lại cái duyên của mình đến với những cây nấm bé nhỏ. Sinh năm 1985, Nguyễn Văn Tưởng từng phải trải qua 11 lần phẫu thuật vì căn bệnh đại tràng bẩm sinh, mất 80% sức khỏe. Năm 2008, được người chị họ gợi ý, anh Tưởng nung nấu ý tưởng làm giàu bằng nấm, muốn biến nấm thành một loại rau sạch được bày bán thông dụng trên thị trường. Nghĩ là làm, anh lên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đăng ký khóa học ngắn ngày về kỹ thuật trồng, chế biến nấm và cất công lặn lội sang các tỉnh, thành phố lân cận như Hưng Yên, Ninh Bình, thậm chí vào cả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm hiệu quả. Sau một thời gian tìm hiểu, áp dụng những kiến thức đã học, đầu năm 2009, anh Tưởng quyết định tận dụng hơn 200m2 đất xây dựng lán, trại bắt đầu đưa nấm về trồng. Lúc đầu, anh chủ yếu thu gom nguồn rơm, rạ, mùn cưa sẵn có tại địa phương về ủ trồng nấm nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như vốn đầu tư ít nên hiệu quả chưa cao, cứ làm 1.000 bịch nấm thì khoảng 500 bịch cho thu hoạch, còn lại bị hỏng. Năm 2011, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nấm của thị trường ngày càng lớn, anh Tưởng quyết tâm vay mượn thêm 300 triệu đồng từ ngân hàng, người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng trang trại, mua sắm lò hấp, lò sấy khử trùng để phục vụ cho quá trình sản xuất các loại nấm sò, nấm linh chi, nấm rơm, nấm mộc nhĩ với quy mô lớn.

Nhờ tích cực áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, các loại nấm trong trang trại của anh Tưởng luôn phát triển tốt, lứa này gối lứa kia, nấm hái đến đâu được tiêu thụ hết ngay tới đó. Sau 7 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay, trang trại của anh Tưởng có diện tích hơn 1.100m2, thường xuyên duy trì gần 5 vạn bịch nấm các loại, trong đó nhiều nhất là nấm sò và mộc nhĩ. Đến vụ thu hoạch, mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 1 tạ nấm sò tươi với giá bán 25.000 đồng/kg. Với mộc nhĩ, cứ 1 vạn bịch cho thu hoạch khoảng 6 tạ khô với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg khô. Các sản phẩm từ nấm của gia đình anh không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, mà còn cung cấp cho một số cơ sở ở Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Từ mô hình trồng nấm, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tưởng còn sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc nấm cho bà con nông dân, đặc biệt là thanh niên địa phương khi mới bắt đầu phát triển mô hình trồng nấm. Đến nay đã có 9 gia trại trong tỉnh được anh chuyển giao kỹ thuật, giúp đỡ về con giống để trồng nấm, bước đầu mang lại hiệu quả. Thời gian tới, anh Tưởng sẽ tiếp tục đăng ký thêm diện tích chuyển đổi, mở rộng lán, trại trồng nấm, mua sắm thêm hệ thống thiết bị hấp sấy hiện đại nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, bảo đảm uy tín, chất lượng; đồng thời mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ hơn nữa để phát triển nghề trồng nấm trong toàn tỉnh.

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày