Thứ 5, 09/05/2024, 03:50[GMT+7]

Người kết tinh vị ngọt đất bãi

Thứ 4, 25/05/2016 | 08:26:26
2,270 lượt xem
Chỉ 5 tháng trước, vùng bãi thôn Mễ Sơn, xã Tân Phong (Vũ Thư) là một cánh đồng hoang, cỏ mọc ngút tầm mắt. Thế nhưng nơi đây hiện đã trải dài một màu xanh đầy sức sống của dưa lê và các loại dưa hàng hóa có giá trị kinh tế cao như dưa kim cô nương, kim hoàng hậu… Người đem đến vị ngọt cho vùng đất bãi này là Lê Tiến Mạnh, 29 tuổi, một thanh niên bản địa.

Lê Tiến Mạnh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dưa lê.

Anh Mạnh cho biết: Chất đất vùng bãi ở đây rất tốt, tuy nhiên vì manh mún, nhỏ lẻ (mỗi hộ có vài miếng ruộng), lại nằm ở khu vực xa dân cư, không thuận tiện cho sản xuất nên những năm gần đây hầu hết các hộ bỏ hoang. Để dồn đổi thành vùng sản xuất rộng 8,6ha như hiện nay, anh phải kiên trì vận động, hợp đồng thuê lại ruộng của 521 hộ dân trong vòng 20 năm với giá trị tương đương 1 tạ thóc/sào/năm. Từ tháng 1/2016, anh đầu tư khoảng 500 triệu đồng dọn cỏ, tổng vệ sinh, đánh bắt chuột, nạo vét mương máng, đào đắp giao thông… Sau chỉnh trang vùng sản xuất, anh Mạnh lựa chọn sản xuất dưa lê ngân huy là chủ lực, ngoài ra trồng thử nghiệm một số loại dưa đòi hỏi kỹ thuật cao như kim hoàng hậu, kim cô nương, kim hồng ngọc ở lứa đầu tiên trên toàn bộ diện tích.

Để bảo đảm năng suất, chất lượng các loại dưa và ổn định đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, trước khi sản xuất, anh Mạnh tìm đến một số doanh nghiệp của Hải Dương để nhờ tư vấn, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng vật tư như phân bón, nilon trải mặt luống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Anh là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, còn lại khâu trồng, chăm sóc anh thuê lao động địa phương. Đến nay, anh Mạnh đã cơ bản thu hoạch xong diện tích dưa lê, anh cho biết: Thời tiết vụ xuân hè năm nay bất thuận nên tại các vùng lân cận, các loại dưa đều giảm năng suất khoảng 30%, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng tương tự, năng suất bình quân đạt 4 - 5 tạ/sào, tuy nhiên giá bán khá cao từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/sào dưa lê. Các loại dưa cao cấp như kim hoàng hậu, kim hồng ngọc, kim cô nương… chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến hiệu quả sản xuất đạt từ 3 - 4 triệu đồng/sào. Vượt qua nhiều khó khăn, anh Mạnh thu về khoảng 380 triệu đồng từ vụ sản xuất dưa đầu tiên, tuy ảnh hưởng của thời tiết, hiệu quả sản xuất chưa được như mong muốn nhưng bù lại sản phẩm của anh có chất lượng quả giòn, ngọt, tạo dựng thương hiệu "dưa sạch" và được công ty thu mua nhanh gọn nên anh rất phấn khởi, thêm niềm tin, động lực phấn đấu đạt năng suất, giá trị cao hơn ở các vụ tiếp theo. Anh dự kiến áp dụng luân canh dưa lê - dưa lê - cà chua - bí xanh trong năm nay. Lê Tiến Mạnh chia sẻ thêm: Ban đầu mọi người, kể cả người thân đều phản đối ý tưởng tích tụ đất đai đầu tư sản xuất của anh vì cho rằng anh đã có công việc ổn định, bản thân còn trẻ, ít kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, ngoài ra có nhiều khó khăn khác về vốn, đất đai, lao động… Tuy nhiên, ý chí quyết tâm cộng với sự ủng hộ, tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục, kỹ thuật trồng chăm sóc cây dưa… của cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn từ huyện đến thôn, anh đã vượt qua mọi khó khăn. Lợi thế của anh Mạnh khi tích tụ được ruộng đất để sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn là dễ dàng áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất, mua phân bón, vật tư sản xuất số lượng lớn nên giá thành rẻ nhờ đó chi phí đầu tư sản xuất giảm so với hộ sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn vì có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Khai thác hiệu quả vùng đất bãi bị bỏ hoang lâu nay, anh Mạnh không chỉ có được nguồn thu lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ấn tượng hơn khi chúng tôi biết anh Mạnh không phải là nông dân "thứ thiệt" mà hiện là kế toán của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Tân Phong (Vũ Thư) nhưng nhận thấy tiềm năng trên mảnh đất quê hương nên anh đã mạnh dạn vay vốn, tích tụ ruộng đất và đầu tư sản xuất. Cùng với sản xuất 8,6ha dưa trên đất bãi, anh Mạnh còn là lao động chính cùng bố mẹ và vợ trồng hơn 1 mẫu dưa chuột mỗi vụ, thả cá trên diện tích 1,7 mẫu ao và chăn nuôi thường xuyên trên 100 con lợn thịt tại trang trại tổng hợp của gia đình, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chấp nhận khó, không sợ khổ, Lê Tiến Mạnh đã biến vùng đất bãi hoang quê mình kết tinh thành vị ngọt để dâng cho đời. Tình yêu, sự gắn bó với ruộng đồng của chàng trai chưa tròn 30 tuổi góp phần mở ra lối tư duy mới cho thanh niên trẻ về sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày