Thứ 4, 08/05/2024, 23:38[GMT+7]

Một đời tảo tần nuôi con ăn học

Thứ 5, 02/06/2016 | 08:34:22
2,021 lượt xem
25 năm lặn lội xứ người kiếm tiền nuôi bốn người con ăn học, vất vả, khó khăn chồng chất nhưng chưa giây phút nào ông Nguyễn Văn Cách (thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư) nản lòng. Hạnh phúc đã mỉm cười trên khuôn mặt sạm màu mưa nắng khi cả bốn người con của ông đều tốt nghiệp đại học, thành công trong sự nghiệp. Gia đình ông là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện, nhiều năm liền được các cấp hội khuyến học biểu dương, khen thưởng.

Ở tuổi 62, ông Nguyễn Văn Cách vẫn tảo tần lo cho con ăn học.

 

Căn nhà của ông Cách ở thôn Kiều Thần không có nhiều đồ đạc nhưng khắp bốn bức tường là những tấm giấy khen, những bức ảnh kỷ niệm hạnh phúc của gia đình. Lần giở từng tấm giấy khen học sinh giỏi xếp tập trên tay, ông Cách kể cho chúng tôi nghe về những đứa con của mình với niềm vui, niềm tự hào: Con gái đầu và thứ hai tốt nghiệp Đại học Xây dựng được nhận vào làm tại Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà. Con gái thứ ba đạt giải nhì quốc gia môn Lịch sử nên được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, rồi được Tập đoàn Samsung mời làm việc. Cậu út đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Xây dựng. Ít ai biết rằng, sau thành quả đầy tự hào đó là những ngày dài đằng đẵng hai vợ chồng ông phải oằn lưng gánh những món nợ để các con đến trường. Nhớ lại những tháng năm vất vả, chắt chiu từng đồng lo cho con ăn học, ông không giấu được xúc động. Năm 1987, ông lấy vợ ở tuổi ngoài 30 với hai bàn tay trắng. Ngày biết vợ mang thai con đầu lòng cũng là ngày ông khăn gói ngược xuôi xứ người kiếm tiền vun vén cho cuộc sống gia đình. Ông xin làm thợ xây tại các công trình ở Tây Bắc, ngày về quê thăm gia đình cô con gái đầu lòng đã được hai tuổi, thiếu ăn nên người ốm yếu. Thương con, hai vợ chồng ông quyết tâm vất vả đến đâu cũng phải lo cho con đủ đầy. Năm 2010, bệnh đau dạ dày mãn tính buộc ông phải về quê điều trị cũng là tròn 25 năm ông lăn lộn đi xây khắp miền Bắc gửi tiền về nuôi mẹ, nuôi vợ, nuôi con. Nhà có ba sào ruộng, cày cấy không đủ, vợ ông tranh thủ làm đủ mọi việc từ cấy đến gặt thuê từ tờ mờ sáng tới tối mịt, cực nhọc kiếm tiền lo cho các con. “Đời chúng tôi không có điều kiện học hành nên cuộc sống cơ cực, vất vả trăm bề. Thấy các con đứa nào cũng ham học nên vợ chồng tôi tự nhủ mình phải cố gắng hết sức lo cho các con học hành để lập nghiệp, trở thành người có ích cho xã hội” - ông Cách tâm sự.

 

Gần hai mươi năm, bốn người con nối tiếp nhau học lên cấp II, cấp III rồi đại học cũng là từng ấy thời gian hai vợ chồng ông thấp thỏm không yên mỗi khi có giấy báo đóng học phí gửi về. Chạy vạy vay mượn khắp nơi không đủ, có thời điểm hai vợ chồng ông phải bấm bụng vay nặng lãi để con được đến trường. Với ông, đó là cách đánh đổi những hy sinh để có được hạnh phúc, mong các con được ăn học nên người. Trên tấm lưng nhọc nhằn đầy tình thương của người cha, người mẹ, bốn người con vững bước vào tương lai.

 

Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, bốn người con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Ông bà luôn động viên, khuyến khích các con học tập nhưng không áp đặt, nhất là việc chọn trường, chọn nghề và hướng đi trong tương lai. Khi con gái đầu Nguyễn Thùy Liên nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Xây dựng, ông bà vui gấp đôi niềm vui của con. Cứ thế, người trước nâng bước người sau, các con ông bà nối tiếp nhau vào đại học. Trong gia đình, những người chị đi trước luôn là tấm gương cho các em học tập, noi theo nên các con ông đều rèn luyện tri thức, đạo đức trên tinh thần tự học. Chỉ tay vào căn nhà đâu đó đã phủ một lớp rêu xanh, ông Cách bảo đấy là chứng nhân lịch sử gần 20 năm nuôi con ăn học. Khởi công từ năm 1998 nhưng mãi đến năm 2014 ngôi nhà mới hoàn thiện, đó chính là công trình của 16 năm chắt chiu, tằn tiện mà hai vợ chồng ông có được.

 

62 tuổi, mái tóc đã điểm sương sau bao tháng ngày chịu thương chịu khó tần tảo nuôi con nhưng vợ chồng ông Cách vẫn chăm chỉ làm lụng để lo cho cậu con trai út học xong đại học. Những vất vả ngày nào nay đã được đền đáp xứng đáng bằng niềm vui tuổi già bên con cháu sum vầy và tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó. Gia đình ông bà trở thành tấm gương về tinh thần hiếu học, được nhiều người dân trong thôn, ngoài xã nể phục.

 

Tiên Dung

(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày