Thứ 7, 27/04/2024, 10:01[GMT+7]

Giáo dục, nhìn từ chuyện thi cử

Thứ 6, 18/01/2013 | 09:20:35
1,903 lượt xem
Lâu nay, giáo dục là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ chuyện nhỏ như một bài văn cá biệt của học sinh (chủ yếu rơi vào môn ngữ văn, lịch sử), tình trạng bạo lực học đường, đến các vấn đề ở tầm vĩ mô như việc duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học theo phương thức "ba chung", sự tồn tại các trường ngoài công lập, hay việc thay sách giáo khoa, đặc biệt là vấn đề thi cử.

Ảnh mang tính minh họa

Nhìn vào bức tranh chung về giáo dục thể hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thực tiễn giáo dục hằng ngày của con em, các bậc phụ huynh cũng như người đọc thường không mấy lạc quan, thậm chí nhiều người cho rằng vấn đề đã đến mức báo động. Vậy, sự "nguy kịch" đã đến mức độ nào và đâu là lối thoát cho tình trạng đó? Xin hãy nhìn nhận từ chuyện thi cử, một trong những công việc quan trọng của giáo dục.

 

1. Hằng năm, cứ sắp kết thúc năm học là dư luận lại nóng lên với kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng. Dư luận chủ yếu xoay quanh sự tốn kém và những hệ lụy về kinh tế, trật tự xã hội (sự xáo trộn lao động và nạn tắc đường...). Rất nhiều ý kiến cho rằng, đó là một kỳ thi tốn kém về nhân lực, tài chính cho toàn xã hội. Gần đây, sau khi việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đại học theo cơ chế "ba chung" và hệ thống điểm sàn được áp dụng trong tuyển sinh, thì một lần nữa việc tranh luận lại được xới lên, với quan điểm rằng hệ thống này "bóp chết" quyền tự chủ của các trường đại học, đẩy một số trường đại học ngoài công lập vào tình thế "lâm nguy". Hơn thế nữa, tính trầm trọng của vấn đề lại được nhấn mạnh khi nó được gắn liền với việc tước đoạt quyền được học tập của thanh niên. Phần lớn những ý kiến này từ một số trường đại học ngoài công lập đòi nhà nước "giải cứu" (mà thực chất là "tháo khoán" việc tuyển sinh)!

 

Liệu các ý kiến đó đã chạm được đến những mặt có tính bản chất của vấn đề? Ðương nhiên, với một kỳ thi, cái giá về vật chất là điều không thể không tính đến, nhưng bài toán cần phải tính ở đây là cái giá đó có nằm trong khả năng có thể chấp nhận của xã hội để đạt đến những kết quả cần thiết và liệu có giải pháp nào tối ưu hơn để thay thế. Chỉ cần so sánh việc bảo đảm về an ninh của kỳ thi tuyển sinh đại học so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là đã đủ thấy hiệu quả của phương thức thi tuyển này. Ai dám bảo đảm trong "cơn sốt bằng cấp" như hiện nay, việc trả kỳ thi tuyển sinh đại học về các địa phương hoặc các trường đại học không phải là một cơ hội làm phát sinh những hiện tượng tiêu cực trong thi cử? Việc những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn trúng tuyển vào các kỳ thi tuyển sinh đại học thậm chí đỗ đầu, chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho tính công bằng và nghiêm túc của phương thức tuyển sinh này.

 

Trong bức tranh chung của các trường đại học ngoài công lập, không thể phủ nhận việc một số trường đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hệ thống giáo trình. Dẫu vậy, cũng lại không thể phủ nhận được một thực tế là trong "cơn sốt" thành lập trường đại học diễn ra trong những năm qua, không ít cơ sở giáo dục được thành lập xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận. Kết quả thanh tra một số trường đại học trong thời gian gần đây với các sai phạm về tài chính liên quan đến công việc đào tạo lên tới hàng chục tỷ đồng. Một thực tế khác cũng không thể bỏ qua, là trong khi thị trường lao động ở Việt Nam đang rất "khát" người lao động có tay nghề cao và tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" vẫn kéo dài qua nhiều năm thì thay vì đầu tư vào hệ thống trường nghề và cao đẳng, một số địa phương và cơ sở giáo dục lại đang có xu hướng đua nhau thành lập trường đại học, không khác gì các nhà đầu tư chạy theo "cơn sốt" bất động sản cao cấp. Từ đó, đến lúc cần phải nhìn thẳng vào một sự thật là những lời kêu gọi bỏ hệ thống điểm sàn, "tháo khoán" tuyển sinh cho một số cơ sở giáo dục thực chất là xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội hay từ chính nhu cầu tồn tại, lợi nhuận tài chính của các cơ sở giáo dục?

 

2. Liên quan các kỳ thi tuyển, không thể không nhắc đến những vụ việc mới làm nóng dư luận trong thời gian gần đây liên quan đến các kỳ thi tuyển công chức trong ngành giáo dục. Ngày 7-12-2013 vừa qua, trong kỳ họp của HÐND thành phố Hà Nội, bàn về tổng thể biên chế hành chính sự nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã đề cập đến hiện tượng "phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng...". Sau phát biểu nói trên, các cơ quan đã huy động nhiều đoàn thanh tra vào cuộc, rà soát lại các kỳ thi tuyển công chức được tiến hành trên địa bàn thành phố. Cho đến nay, theo kết quả thanh tra, mới chỉ có một số dấu hiệu tiêu cực được phát hiện. Ðiều đó cho thấy đối với lĩnh vực giáo dục, cơ chế mang tính phân quyền trong công tác tuyển dụng đang tạo nên những kẽ hở lớn cho tiêu cực. Phải chăng, đã đến lúc Việt Namon> cần học tập mô hình đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới? Phải chứng minh được tính hiệu quả việc tổ chức một kỳ thi tuyển dụng giáo viên mang quy mô quốc gia, với một số đầu mối quản lý thống nhất (như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo) kết hợp với sức mạnh của hệ thống kiểm tra, giám sát, và một kỳ thi như thế có thể so sánh với kỳ thi "ba chung" trong tuyển sinh đại học.

 

3. Từ thực tế nói trên, rõ ràng, đang có những vấn đề lớn tồn tại trong hệ thống giáo dục. Nhưng, để đánh giá hết mức độ của những vấn đề đang tồn tại đó, không thể chỉ căn cứ vào các ý kiến mang tính cảm tính và ẩn giấu sau đó là những lợi ích mang tính cục bộ của dư luận. Cần phải có một cơ chế thẩm định - đánh giá, một cuộc "đại phẫu" mang tính khoa học và độc lập với những cơ quan thẩm định độc lập, đặc biệt là phát huy vai trò của các viện nghiên cứu/thống kê/điều tra dư luận xã hội (theo mô hình những viện "chuyên" trong lĩnh vực thống kê/điều tra dư luận như INSEE của Pháp hay Gallup của Hoa Kỳ) với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên môn. Thiếu đi tính khoa học, việc tiến hành các cuộc cải cách trong lĩnh vực giáo dục rất có nguy cơ lại rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường", tạo ra những nguy cơ mới. Trong khi chờ đợi một cuộc "đại phẫu" như thế, công việc cần làm không phải là đưa ra những giải pháp mang tính cục bộ, nửa vời, chạy theo dư luận, mà là duy trì tình trạng ổn định, nỗ lực cải thiện một số mặt, tăng tính tập quyền (như chúng tôi đã đề xuất về kỳ thi tuyển công chức giáo viên) song hành với việc tăng tính công khai, minh bạch và sự giám sát của toàn xã hội.

Theo nhandan.com

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày