Thứ 7, 27/04/2024, 11:15[GMT+7]

Tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ 2, 19/06/2017 | 09:00:39
1,371 lượt xem
Trong chuyến công tác gần 1 tháng trên quần đảo Trường Sa, có rất nhiều câu chuyện vui, buồn của các nhà báo khi tác nghiệp nơi hải đảo xa xôi. Song tôi và tất cả những nhà báo đều có chung một cảm xúc: vinh dự, tự hào và tích lũy được nhiều bài học quý về nghề.

Tác nghiệp ở Trường Sa.

Trước khi lên đường công tác ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), tôi đã lên “dây cót tinh thần” chuẩn bị đối mặt với muôn vàn gian nan mà những đồng nghiệp từng trải nghiệm trao đổi. Quả thực, từ khi bước chân lên tàu rời quân cảng Cam Ranh để đến các đảo chìm, đảo nổi đến khi trở về đất liền, mỗi nhà báo phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả mới có được những thông tin để chuyển về đất liền.

Dưới tàu say sóng, lên đảo say đất khiến cho nhiều nhà báo ra Trường Sa mệt nhoài. Nhưng mỗi khi tàu cập đảo, nhìn thấy mảnh đất thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa bầu trời lộng gió nơi cực Đông Tổ quốc, niềm xúc động, tự hào lại trào dâng, mọi mệt mỏi tan biến; các nhà báo lại háo hức, vội vàng chuẩn bị đồ nghề để tác nghiệp. Không giống như đất liền, tác nghiệp ở Trường Sa trong điều kiện nắng như thiêu đốt, gió to, sóng lớn, anh em phóng viên phải bọc máy quay, máy ảnh, điện thoại, sổ tay trong những túi nilon làm sao để vừa tránh nước mặn tạt vào vừa sẵn sàng bấm máy, ghi chép. Và để chụp, ghi được những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống nơi hải đảo, mỗi anh em phải luôn trong tư thế ôm chặt “cây bút” không để sóng biển “cướp mất”, nhất là mỗi lúc lên, xuống xuồng chuyển tải.

Dù đã nhiều ngày tìm hiểu các thông tin về Trường Sa nhưng khi nghe đoàn công tác Vùng 4 Quân chủng Hải quân phổ biến kế hoạch, thời gian cho các nhà báo tác nghiệp trên đảo, trước đêm lên tàu, tôi thức trắng ngồi ôm máy tính cập nhật thêm thông tin để xây dựng ý tưởng, chủ đề cho từng bài viết nhằm phản ánh được những thông tin mới và chủ động chọn nội dung ghi hình, phỏng vấn và khai thác tư liệu. 

Tưởng chuẩn bị kỹ như vậy là đã yên tâm song khi đặt bước chân đầu tiên lên đảo Đá Lớn, mọi sự đều lạ lẫm và hiện thực khác xa so với những gì mình đã hình dung. Đảo nhỏ, thời gian tiếp xúc ngắn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến cho công việc của nhiều nhà báo gặp khó khăn. Tranh thủ từng phút, từng giây gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ để trao đổi, nắm thông tin, thăm cơ sở vật chất trên đảo, mỗi nhà báo phải tập trung cao độ vừa ghi chép vừa chụp hình. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ với hàng loạt sự kiện: chào cờ, bàn giao thay thu quân, chuyển hàng tết, tặng quà, chúc tết…, gần như nhà báo làm việc không ngừng nghỉ. 

Sau hải trình đến đảo Đá Lớn, có trong tay nhiều tài liệu và hình ảnh để triển khai viết tin, bài gửi về tòa soạn nhưng tôi tự thấy mình còn thiếu một vài điều gì đó? Hình ảnh, đúng vậy, dù chụp được hàng trăm tấm ảnh nhưng khi kiểm tra lại thấy thiếu những hình ảnh giàu cảm xúc, cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của anh em bộ đội. Rút kinh nghiệm, những lần thăm các đảo chìm, đảo nổi về sau, tôi tranh thủ chụp tất cả những gì nhìn thấy trên đảo từ con người, mảnh đất, cây cối đến cả sóng biển ở Trường Sa. Chụp ban ngày, chụp cả ban đêm để làm giàu cho kho tư liệu về Trường Sa của mình.

Một số nhà báo thấy tôi bấm máy ảnh “liên thanh” hỏi: Chụp nhiều vậy tốn pin lắm, vất vả nữa và có dùng hết được đâu? Nhưng khi “sóng đã cài then, đêm sập cửa” anh em chia sẻ, giao lưu hình ảnh với nhau, chính tôi và nhiều người mới ngỡ ngàng: đôi khi những hình ảnh chụp không có chủ đích trước lại là những khoảnh khắc đẹp, chứa đựng nhiều thông tin, cảm xúc khác lạ. Cũng từ những tấm hình như thế mà ý tưởng, chủ đề mới nảy nở để cho ra đời thêm một bài báo phản ánh sinh động về Trường Sa mang dấu ấn cá nhân của nhà báo đậm nét. Ai cũng muốn mình sẽ là người đầu tiên đưa hình ảnh, thông tin của Trường Sa về đất liền sớm nhất đến bạn đọc. Trong điều kiện tàu rung lắc, chao đảo, gió biển tạt hơi muối lên tàu và tín hiệu đường truyền internet yếu, chập chờn lúc có lúc không, để chuyển tải bài viết, hình ảnh về tòa soạn không hề đơn giản. Chuyện “canh sóng” thâu đêm của cánh nhà báo là quá quen thuộc; song cũng có nhiều anh em thức trắng đêm vẫn không thể đưa thông tin về đất liền được chỉ vì dung lượng file hình ảnh quá lớn trong khi tốc độ đường truyền lại thấp. Để giải quyết được bài toán hóc búa này, nhà báo phải biết nén hình ảnh để làm sao dung lượng file thấp nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng. Thực tế này đòi hỏi nhà báo phải sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, nhất là ứng dụng các phầm mềm chuyên dụng phục vụ cho công việc của mình.

Niềm vinh dự và hạnh phúc của nhà báo khi tác nghiệp ở Trường Sa không chỉ là có mặt ở nơi địa đầu Tổ quốc mà còn là mỗi lần bài báo của mình đăng tải được chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và ngắm những nụ cười rạng ngời hạnh phúc trên gương mặt sạm đen vì nắng gió của họ. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên, in đậm trong cuộc đời người làm báo.

Được tác nghiệp ở Trường Sa là một điều vinh dự mà không nhiều nhà báo có cơ hội được trải nghiệm. Khó khăn, vất vả vô cùng nhưng được “cưỡi” trên sóng đại dương và đặt chân lên mảnh đất máu thịt của đất nước nơi địa đầu, chân trời của Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc trong mỗi nhà báo lại trỗi dậy, lòng nhiệt huyết nghề nghiệp lại thăng hoa.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày