Chủ nhật, 05/05/2024, 08:34[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 Nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ NTT - TMC

Thứ 6, 15/04/2011 | 15:35:47
1,438 lượt xem
Năm 2010, nhiều hoạt động phong phú, đạt hiệu quả thiết thực đã được Hội bảo trợ người tàn tật (NTT) – trẻ mồ côi (TMC) tỉnh tổ chức thực hiện. Từ những hoạt động này, NTT – TMC trong tỉnh cảm nhận được tình cảm ấm áp của cộng đồng xã hội, được tiếp thêm sự tự tin trong cuộc sống.

Hội bảo trợ NTT – TMC tỉnh trích Quỹ “Trái tim nhân ái” hỗ trợ cho NTT – TMC các huyện, thành phố.

Điểm thuận lợi nhất, có tác động tích cực đến các mặt hoạt động của Hội là việc Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Bên cạnh đó, công tác bảo trợ NTT – TMC trong tỉnh còn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tập thể và cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của NTT – TMC trong tỉnh tiếp tục được cải thiện và nâng lên.

Đến cuối năm 2010, thông qua ngành Lao động – TBXH, toàn tỉnh có 12.500 NTT – TMC được hưởng trợ cấp thường xuyên theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Thông qua ngành Y tế, hàng trăm trẻ em mồ côi, trẻ em nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thăm hỏi, tặng quà trị giá hàng trục triệu đồng.

Năm qua, NTT – TMC trong tỉnh tiếp tục nhận được sự sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp. Công ty Hương Sen đã giành số kinh phí 617,3 triệu đồng ủng hộ thương bệnh binh, người khuyết tật và trẻ em mồ côi và hỗ trợ làm nhà tình thương; Công ty cổ phần du lịch thương mại Hải Bình và Hội Doanh nhân nữ giúp đỡ NTT – TMC và các nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trong tỉnh hơn 300 triệu đồng.

Quỹ “Trái tim nhân ái” tỉnh Thái Bình cùng một số nguồn tài trợ khác đã hỗ trợ cho 4.500 NTT – TMC có hoàn cảnh khó khăn và hội thi “Tay nghề giỏi người khuyết tật” toàn tỉnh lần thứ hai năm 2010 số tiền trên 400 triệu đồng. Còn nhiều đơn vị khác như Công ty Xổ số kiến thiết, Trường cao đẳng KTKT, Hội CTĐ tỉnh, Hội Phật giáo tỉnh… cùng một số doanh nghiệp cũng đã vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động quyên góp, ủng hộ NTT – TMC với số tiền hàng chục triệu đồng.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, cùng với thời gian, cuộc sống tinh thần của NTT – TMC trong tỉnh cũng ngày càng được nâng lên. Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội bảo trợ NTT – TMC tỉnh cho biết, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dành riêng cho NTT – TMC tuy không diễn ra ở quy mô cấp tỉnh song thường xuyên được tổ chức tại các địa phương, nhất là các Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật từ tỉnh đến các huyện, thành phố.

“Điểm nhấn” trong hoạt động văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật đó là Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh đã hình thành được một đội văn nghệ gồm 15 diễn viên và nhạc công, thường xuyên tham gia giao lưu văn nghệ với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và với Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa bởi nó không chỉ giúp đời sống tinh thần của NTT – TMC thêm phong phú mà còn là nguồn động viên, khích lệ to lớn để họ vơi bớt mặc cảm, có thêm tự tin, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Trong các hoạt động bảo trợ NTT – TMC, không thể không nhắc đến nỗ lực của ngành Giáo dục và đào tạo khi đã huy động được 2.094 trẻ em khuyết tật học hòa nhập trong đó mầm non có 660 em và tiểu học có 1.434 em. Trường tiểu học của hai xã Quang Trung và Quang Hưng (huyện Kiến Xương) duy trì hai lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Phong trào đỡ đầu học sinh khuyết tật, học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ngành và các nhà trường đặc biệt quan tâm, do vậy các em đều có cơ hội được học hết lớp và hết cấp.

Ngoài học văn hóa, NTT – TMC trong tỉnh còn được học nghề và tạo việc làm. Năm 2010, toàn tỉnh có 358 NTT được học nghề ngắn hạn theo các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số kinh phí hỗ trợ trên 800 triệu đồng. Sau học nghề có từ 75 – 80% NTT tìm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, nếu tính cả những đơn vị, cá nhân tham gia dạy nghề, truyền nghề tại cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau thì số NTT được học nghề còn cao hơn, kinh phí đào tạo nghề cũng lớn hơn nhiều.

Toàn tỉnh hiện có hơn 50 tổ chức, cá nhân tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (có đăng ký với Hội bảo trợ NTT – TMC tỉnh); trong đó có 25 đơn vị đã được Sở Lao động – TBXH cấp giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh của NTT. Từ những địa chỉ này, NTT có thể tìm  được chỗ làm việc phù hợp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân mình. 

                                                                                             Bài,ảnh:Minh Sơn

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày