Thứ 5, 02/05/2024, 23:52[GMT+7]

“Gánh” chi phí cho người bệnh trọng

Chủ nhật, 02/07/2017 | 15:55:31
591 lượt xem
Với những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài thì tấm thẻ BHYT giống như chiếc phao cứu sinh, “gánh” đỡ chi phí giúp họ tiếp tục duy trì sự sống.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải.

Bị suy thận độ 4 nên bà Nguyễn Thị Xuyến, xã Thụy Liên (Thái Thụy) thường xuyên phải đến Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải để chạy thận. 3 lần/tuần, đều đặn suốt 6 năm qua bà thực hiện việc chạy thận tại bệnh viện. Mỗi tháng chi phí cho việc điều trị hết khoảng 10 triệu đồng. Với gia đình làm nghề nông không biết cuộc sống của bà sẽ ra sao nếu không có thẻ BHYT. 

Bà Xuyến chia sẻ: Khi phát hiện bị suy thận, gia đình tôi rất lo lắng bởi kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng cấy lúa, các con lại ở xa, cuộc sống còn khó khăn. Nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ 100% chi phí điều trị và được Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải hỗ trợ chỗ ở và bữa ăn trong những ngày chạy thận thì có lẽ tôi đã buông xuôi...

Cũng như trường hợp bà Xuyến, ông Phạm Duy Thức, 51 tuổi, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) phải chạy thận suốt 3 năm qua. Kinh tế gia đình dựa vào thu nhập từ tiền lương công nhân của hai vợ chồng. Tuy nhiên, số tiền ấy cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày và nuôi 3 con ăn học. Không có thẻ BHYT chắc ông cũng khó có điều kiện chạy thận để duy trì sự sống.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Dưỡng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải cho biết: Những bệnh nhân phải chạy thận chủ yếu suy thận ở độ 3B và độ 4 trở lên. Lúc này, thận đã không còn chức năng bù trừ sinh lý như đào thải chất độc, tạo hồng cầu, vì thế bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu và dùng thuốc tạo hồng cầu, kéo dài sự sống. Cứ 3 lần/tuần, bệnh nhân phải tiến hành chạy thận. Hiện nay, 3 ngày chạy thận trong tuần, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân/ngày. Không chỉ ở trong tỉnh, người dân một số tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương... cũng sang chạy thận. Có những người đã phải chạy thận trong suốt 20 năm. Chi phí cho một lần chạy thận bao gồm cả thuốc khoảng 900.000 đồng/người. Vì thế, người bệnh sẽ bị kiệt quệ về kinh tế, rơi vào tình trạng nghèo hóa nếu không có thẻ BHYT. Chia sẻ khó khăn với người bệnh, Bệnh viện đã bố trí 2 phòng nghỉ và hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân ở xa trong những ngày điều trị để giảm bớt chi phí.

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, ước 6 tháng đầu năm 2017, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả cho 1.214.700 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh nội ngoại trú, tổng chi phí 821,5 tỷ đồng, có 908 bệnh nhân được chi cao với mức trên 50 triệu đồng. Trong số đó có ông Phạm Đình Hùng (xã Đông Hà, huyện Đông Hưng) được chi trả trên 430 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Ngọc (thành phố Thái Bình) được thanh toán trên 420 triệu đồng...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác BHYT. Bên cạnh việc hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí mua thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng được ưu đãi khi giảm trừ mức đóng từ người thứ hai trở đi và quyền lợi thì ngày càng được nâng cao. Đối tượng thanh toán của quỹ BHYT cũng được mở rộng. Ngoài trường hợp ốm đau, bệnh tật thì những người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tự tử, tự gây thương tích do bất cứ nguyên nhân gì khi vào viện điều trị đều được quỹ BHYT chi trả. Người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh) thì không phải cùng chi trả các lần khám chữa bệnh tiếp theo trong năm tài chính. Cùng với đó là việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh cấp xã, huyện trên toàn quốc tiến tới năm 2021 sẽ thực hiện thông tuyến tỉnh trên toàn quốc khi điều trị nội trú và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Không có thẻ BHYT, người bệnh có thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với khó khăn về khả năng chi trả viện phí dẫn tới việc điều trị bệnh bị gián đoạn. Đặc biệt, khi áp giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT tại các bệnh viện thì tấm thẻ BHYT lại càng có giá trị hơn. Vì vậy, mỗi người dân tham gia BHYT không chỉ để bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn thể hiện trách nhiệm sẻ chia với gia đình, cộng đồng lúc khó khăn, bệnh trọng.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày