Thứ 6, 03/05/2024, 22:05[GMT+7]

Dằng dặc nỗi đau da cam

Thứ 2, 07/08/2017 | 16:17:35
461 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm nhưng sự khốc liệt của nó vẫn ám ảnh các cựu chiến binh đến bây giờ. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Cát, thôn 2, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) là một ví dụ.

Vợ chồng ông Cát bên người con trai tật nguyền do di chứng chất độc da cam/Điôxin.

Năm nay ông Cát bước sang tuổi 87, tuổi già cộng với hậu quả sau tai biến mạch máu não khiến ông mắt mờ, tai điếc. 

Nhắc tới những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Cát kể lại: Năm 1963, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông đăng ký lên đường nhập ngũ, được điều động công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1965 ông chuyển sang đơn vị K5 ngoại biên, chiến đấu dọc biên giới Lào. Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1975, ông Cát được điều động tham gia chiến dịch miền Nam D12; khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông được chuyển về đơn vị C6 Công an vũ trang tỉnh Nghệ Tĩnh. 

Ông Cát nhớ lại: Ngày đó, đơn vị ông phải chiến đấu trong các cánh rừng của Lào để tiễu trừ bọn phỉ và phối hợp với các cánh quân bộ đội chủ lực trong nước tạo thành gọng kìm tiến đánh Mỹ, ngụy trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên và Sài Gòn. Dù đói khát, mưa rừng, vắt cắn, muỗi đốt nhưng tất cả bộ đội đều một ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ để sớm thống nhất non sông; bản thân ông ba lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Năm 1977 ông xin xuất ngũ, chuyển ngành về công tác tại Nông trường cói thanh niên Thái Bình, do thường xuyên ốm đau nên năm 1981 ông xin nghỉ chế độ mất sức.

Do có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương nên những năm qua đời sống gia đình ông Cát bớt đi khó khăn, vất vả về vật chất. Song nỗi đau tinh thần vẫn ám ảnh cuộc sống của hai vợ chồng già. Người con trai sinh năm 1979 mà ông đặt tên là Nguyễn Văn Toàn với bao hy vọng bị khuyết tật từ khi mới chào đời do di chứng chất độc da cam/Điôxin. 

Vợ ông Cát mắt đỏ hoe chia sẻ với chúng tôi: Lúc sinh Toàn, tôi thấy cháu có biểu hiện đầu bé, chân tay co quắp, càng lớn cháu càng có biểu hiện nặng hơn. Mặc dù hai vợ chồng đã đưa con đi nhiều nơi chữa trị, có được ít tiền tiết kiệm từ cấy hái, chăn nuôi chúng tôi dồn cả vào thuốc thang với hy vọng chữa khỏi cho cháu. Nhưng tiền mất mà bệnh của cháu vẫn không khỏi, đến khi nghe nhà nước thông tin về chất độc da cam/Điôxin thì gia đình tôi mới hết hy vọng đưa con đi điều trị.

Khi chúng tôi ngồi trao đổi với hai vợ chồng ông Cát, thỉnh thoảng câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng kêu hú và tiếng chân tay đập giường nghe chát chúa, ông bảo đó là lúc Toàn vật vã, lên cơn. Ngày qua ngày, tháng tới tháng, năm qua năm, ông bà đã quen thuộc với những âm thanh xé lòng ấy, quen tới mức chai lỳ cảm xúc, giờ nó chỉ còn là tín hiệu báo đứa con ông còn sống.

Ông Nguyễn Văn Thao, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Vũ Hòa cho biết: Đồng cảm với nỗi đau của gia đình ông Cát, những năm qua, địa phương luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ gia đình ông như chia ruộng tốt gần nhà để ông bà tiện canh tác, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất chăn nuôi giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, năm 2016 địa phương trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng và hướng dẫn gia đình lập hồ sơ đề nghị chế độ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin cho Nguyễn Văn Toàn, hiện cháu đã được hưởng mức trợ cấp 1.417.000 đồng/tháng, loại đặc biệt. Riêng ông Cát, do hồ sơ giấy tờ không đầy đủ, mặc dù bản thân ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo nhưng lại không nằm trong danh mục bệnh theo quy định để được xét công nhận nạn nhân chất độc da cam/Điôxin nên địa phương chưa thể giúp ông lập hồ sơ hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin.

Đã bước vào cái tuổi “gần đất xa trời”, ước mong duy nhất của ông Cát bây giờ là nhà nước cho ông hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin góp phần an ủi ông lúc tuổi già và ghi nhận những cống hiến của ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày