Thực chất - không hô hào (Kỳ 1)
Kỳ 1: “8 món” trên “bàn tiệc đổi mới”
Trường làng với giáo dục STEM
Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) năm học 2017 - 2018 của học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy) diễn ra sôi nổi. 15 nhóm mang đến 15 sản phẩm, trong đó hầu hết các sản phẩm đều lấy ý tưởng từ chính cuộc sống quanh các em như máy vớt rác tự động trên ao hồ, tủ sấy đa năng, máy tưới nước tự động...
Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Năm học nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 12 là cuộc thi sáng tạo KHKT của Trường được tổ chức. Từ khi phát động vào đầu năm học đến thời điểm đó là thời gian đủ để các em hình thành ý tưởng và hoàn thiện sơ bộ các sản phẩm của mình. Sau cuộc thi cấp trường, với sự góp ý của giáo viên, các em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để tham gia cuộc thi sáng tạo KHKT học sinh trung học cấp cụm, cấp huyện và cấp tỉnh. Năm học vừa qua, sản phẩm máy vớt rác tự động trên ao hồ của học sinh nhà trường đã đạt giải nhì cuộc thi cấp huyện. Trường đang khuyến khích các em tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để dự thi cấp tỉnh. Hồi tháng 3 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT học sinh trung học, lần đầu tiên có nội dung thi rô-bốt, học sinh nhà trường cũng xuất sắc giành giải nhất.
Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền cũng cho biết, câu lạc bộ tập làm khoa học của Trường thành lập từ năm học 2012 - 2013. Mỗi năm câu lạc bộ tập hợp được từ 15 - 20 nhóm, thực hiện được 15 - 20 đề tài, sản phẩm. Đã có một số đề tài đạt giải cuộc thi sáng tạo KHKT học sinh trung học cấp tỉnh như máy phun thuốc trừ sâu tự động (giải nhì); máy gieo hạt tự động (giải khuyến khích); tìm hiểu về cây lợi sữa (giải nhì); phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh (giải nhất). Không chỉ vì mục tiêu đạt giải, có khi chỉ là những đề tài nghiên cứu rất nhỏ, sơ đẳng nhưng nhà trường luôn khuyến khích học sinh tham gia tập làm khoa học “càng đông càng tốt” bởi qua đó sẽ giúp các em hình thành niềm đam mê với khoa học, tránh xa các tệ nạn mà bất kỳ một học sinh nào cũng có thể mắc phải trong cái tuổi đang “tập người lớn”.
Và rất có thể từ một đề tài sơ khai thuở học trò, các em sẽ tiếp tục hoàn thiện nó ở mức cao hơn như với sản phẩm máy cho tôm, cá ăn tự động của Hà Công Minh là một ví dụ. Bắt tay vào nghiên cứu từ khi còn học ở Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, sản phẩm tiếp tục được Hà Công Minh hoàn thiện và em đã đạt giải ba cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia học sinh trung học khi em học lớp 11. Với kết quả này, Hà Công Minh vừa được tuyển thẳng vào Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018.
Tiết học trên lớp của học sinh Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ).
Không chỉ có các trường THCS, ở Thái Thụy, nhiều trường tiểu học cũng thành lập câu lạc bộ KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn cho biết: Câu lạc bộ KHKT của Trường mỗi năm thu hút khoảng 20 em lớp 4, lớp 5 tham gia. Để đưa các em sớm đến gần hơn với KHKT, Trường đã đầu tư trang thiết bị cho phòng thực hành kỹ thuật, tổ chức cho các em học lập trình rô-bốt, làm sản phẩm KHKT từ vật liệu tái chế...
Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Với mong muốn tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo, phát triển tư duy, nâng cao kỹ năng thực hành, nhiều năm học qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tích cực chỉ đạo các trường thành lập và kiên trì tổ chức câu lạc bộ KHKT cho học sinh. Nghiêm túc chỉ đạo hoạt động này, Phòng đã xây dựng được một bộ giáo án dạy sáng tạo KHKT gồm 60 bài giảng được lựa chọn từ hàng trăm bài giảng thực tế của giáo viên làm tài liệu cho các trường hướng dẫn học sinh. Từ những bài giảng định hướng như: học cách suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao cho mỗi sự vật, hiện tượng đến những bài giảng phức tạp hơn như các nguyên lý vật lý, kỹ thuật cần áp dụng cho chế tạo một số loại máy móc... Từ những đề tài nghiên cứu rất nhỏ, sơ đẳng ở cấp THCS, các em đã dần hoàn thiện và phát triển thành những đề tài lớn hơn. Qua nhiều năm tổ chức câu lạc bộ KHKT cho học sinh, học sinh của huyện đạt nhiều giải, có giải cao trong các cuộc thi sáng tạo KHKT học sinh trung học của tỉnh và toàn quốc. Và một điều lớn hơn mang lại là từ việc tham gia nghiên cứu khoa học đã khơi gợi và thắp lên ngọn lửa say mê, sáng tạo cho nhiều học sinh, giáo viên giúp các nhà trường khởi động những bước đầu tiên của giáo dục STEM, một nội dung còn khá mới mẻ đối với các trường học Việt Nam, đặc biệt là các trường vùng nông thôn như ở Thái Thụy.
Từ lán xe đến phòng học thông minh
Nếu ngành Giáo dục Thái Thụy tập trung vào hoạt động khuyến khích học sinh tham gia KHKT là nội dung trong đổi mới giáo dục thì Quỳnh Phụ lại chọn việc tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương làm trọng tâm. Trường THCS An Vũ là một điển hình với sự ứng dụng linh hoạt, đổi mới trong cả hoạt động quản lý và hoạt động dạy và học của huyện.
Cách đây chỉ 5 năm, giáo viên, học sinh Trường THCS An Vũ vẫn phải dạy và học trong lán xe hoặc phải băng qua quốc lộ 10 học nhờ nhà văn hóa thôn thì nay ngôi trường này đã hoàn toàn đổi khác với một mô hình trường học sinh thái điển hình bậc nhất trên toàn tỉnh. Sau khi được tỉnh, huyện, địa phương đầu tư xây dựng 12 phòng học kiên cố, nhà trường đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương vận động nguồn lực xã hội hóa từ con em An Vũ ở trong và ngoài nước đầu tư, tham gia xây dựng các công trình phụ trợ và xây dựng mô hình trường học sinh thái. Không chỉ xây dựng lên không gian thoáng mát, sạch đẹp với hệ thống cây xanh, thảm thực vật phong phú, nhà trường còn đầu tư xây dựng khuôn viên theo hướng khoa học để có thể vận dụng tối đa hệ sinh thái vào công tác dạy và học, nghiên cứu của giáo viên và học sinh.
Đến Trường THCS An Vũ, không ít người ngỡ ngàng vì hệ thực vật phong phú, độc đáo với hơn 50 loài cây khác nhau, trong đó có rất nhiều loài đặc trưng, quý của cả Việt Nam và nước ngoài như: ngân hạnh, anh đào Nhật Bản, hạnh phúc, sala... Thảm thực vật này là nơi tổ chức cho học sinh những giờ trải nghiệm đầu tuần vui vẻ, bổ ích, phục vụ cho những giờ học sinh vật, mỹ thuật đầy khám phá và mới lạ của học sinh.
Dạy và học trong phòng học thông minh tại Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ).
Luôn mong muốn đổi mới phương pháp dạy và học, dành cho học sinh những gì tốt nhất mà nhà trường có, Trường THCS An Vũ cũng là trường đi đầu khối THCS trong tỉnh khi đầu tư xây dựng phòng học thông minh. Hoàn toàn từ nguồn kinh phí của con em An Vũ trong và ngoài nước hỗ trợ, Trường đã đầu tư xây dựng được 2 phòng học thông minh. Điểm khác biệt là nếu như các phòng học thông minh thường phải đầu tư với chi phí từ 250 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/phòng thì phòng học thông minh của Trường THCS An Vũ được đầu tư chỉ với 40 triệu đồng/phòng nhưng chức năng, hiệu quả sử dụng không thua kém. Thay cho bục giảng và bảng thông minh, nhà trường trang bị tivi thông minh. Bên cạnh đó, thay vì trang bị mỗi học sinh một máy tính xách tay hoặc máy tính bảng, nhà trường trang bị bộ điều khiển IQ click gọn nhẹ.
Em Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 8A cho biết, em và các bạn đều thích được học ở phòng học thông minh bởi với tivi thông minh trình chiếu giáo án điện tử thay cho thầy cô viết trên bảng như trước kia, các em được giới thiệu nhiều hơn hình ảnh, kiến thức bài học. Với thiết bị IQ click mà mỗi bạn đều có trên tay, các bạn đều dễ dàng trả lời câu hỏi khi thầy cô nêu ra, vì vậy bạn nào cũng trả lời thay vì như trước kia chỉ có vài bạn giơ tay phát biểu ý kiến hoặc thầy cô chỉ định.
Tại Trường THCS An Vũ, đến nay 100% giáo viên ở tất cả các bộ môn từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội có khả năng áp dụng các tiết giảng ở phòng học thông minh. Giáo viên và học sinh hứng thú với các giờ giảng đổi mới nên phòng học thông minh được giáo viên đăng ký lịch giảng gần như kín trong tuần.
Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ: Mục tiêu tối thượng của đổi mới phương pháp dạy học chính là hướng tới yêu cầu tổ chức cách thức hoạt động dạy học theo cách đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất, ít tốn kém nhất nhưng lại đạt kết quả giáo dục một cách tối đa nhất. Phòng học thông minh của nhà trường đang từng bước hướng tới mục tiêu đó.
8 huyện, thành phố 8 nội dung đổi mới
Nếu như tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo KHKT cho học sinh là một trong hai nội dung đổi mới cơ bản của Thái Thụy; tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương là nội dung của Quỳnh Phụ thì 6 huyện, thành phố khác cũng đều lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương trong thực hiện đổi mới giáo dục. Là huyện có nhiều địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất trường học, Tiền Hải đã chú trọng vào nội dung huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường học. Là vùng đất cổ của Thái Bình với hệ thống các di sản văn hóa phong phú, Hưng Hà chọn nội dung giáo dục gắn với di sản văn hóa. Còn thành phố lại tập trung vào đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, thực hiện giảm tải, chống chạy theo thành tích ở giáo dục tiểu học gắn với tuyển sinh THCS...
8 huyện, thành phố với 8 nội dung khác biệt, nhiều cán bộ quản lý nói vui ngành Giáo dục đang có một “bữa tiệc” đổi mới. Xây dựng trường học sinh thái, lớp học thông minh, các giờ giảng chuyển từ nặng về lý thuyết sang vận dụng thực tế, chưa có khi nào chúng ta được chứng kiến sự vặn mình của giáo dục với những đổi mới rõ nét như hiện nay.
Trần Hương - Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Liên đoàn Lao động huyện Hưng Hà: Phát động và ký giao ước thi đua năm 2025 27.12.2024 | 20:10 PM
- Hội Cựu chiến binh tỉnh: Tổng kết công tác hội năm 2024 27.12.2024 | 20:11 PM
- Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 27.12.2024 | 20:13 PM
- Phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ; phòng cháy, chữa cháy; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo 27.12.2024 | 18:13 PM
- Khối thi đua các hội có tính chất đặc thù tổng kết phong trào thi đua năm 2024 27.12.2024 | 17:47 PM
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025 27.12.2024 | 13:09 PM
- Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số 27.12.2024 | 17:47 PM
- Vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu nhất năm 2024 27.12.2024 | 17:47 PM
- Thành phố Thái Bình: Tổ chức cưỡng chế kiểm đếm dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư xã Đông Mỹ 27.12.2024 | 18:14 PM
- 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024): Danh y lỗi lạc của Việt Nam và thế giới 27.12.2024 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh