Thứ 6, 10/01/2025, 15:11[GMT+7]

Hưng Hà: Bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão

Thứ 4, 19/07/2023 | 08:24:12
3,251 lượt xem
Toàn huyện Hưng Hà hiện có 1.296ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), 8 bè cá với 287 lồng cá tập trung ở 5 xã ven sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hồng (tăng 127 lồng so với năm 2020); giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 112,747 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm 2022. NTTS ở Hưng Hà đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp, có vị trí quan trọng trong tiến trình xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, làm giàu cho người dân. Chính vì vậy, huyện đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn NTTS mùa mưa bão.

Các hộ nuôi cá ở Độc Lập (Hưng Hà) chú trọng tạo oxy cho cá.

Nỗi lo mùa mưa bão

Vùng NTTS hơn 50ha của xã Độc Lập được đầu tư theo hình thức thâm canh, bán thâm canh của 36 hộ dân, chủ yếu nuôi cá rô phi, mè, trôi, trắm. Mỗi năm, vùng NTTS cho thu hoạch trên 350 tấn cá, chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của xã. 

Ông Trần Trọng Tình, thôn Đồng Phú đã mạnh dạn đấu thầu gần 3 mẫu đất để đào 2 ao thả cá, mỗi năm thu hoạch 5 - 6 tấn cá/mẫu. Dẫu vậy, trong mùa mưa bão ông luôn canh cánh nỗi lo trước những biến cố có thể xảy ra. Ông Tình chia sẻ: Nếu không chủ động phòng, chống trong mùa mưa bão, chẳng may gặp rủi ro sẽ thiệt hại không nhỏ, thậm chí mất trắng. Ngoài chế độ dinh dưỡng, tôi luôn chú trọng phòng ngừa sự cố tràn bờ, vỡ bờ, giữ an toàn cho diện tích NTTS bằng cách tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn; chủ động chuẩn bị máy phát điện tạo oxy cho cá.

Ông Lê Trọng Cường, thôn Đồng Phú cho biết: Với 2.300m2 đất được đấu thầu tôi chia làm 2 ao, chủ yếu nuôi cá truyền thống. Trong 10 năm NTTS, nỗi lo lớn nhất của tôi là mưa bão sẽ phá hủy các công trình như bờ ao, đăng chắn làm thất thoát vật nuôi, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện nay mỗi ao tôi nuôi từ 5.000 - 6.000 con cá nhưng chưa đến thời điểm thu hoạch. Mặc dù tôi đã xây bờ ao cao hơn so với mực nước 0,5m và chuẩn bị lưới quây, kiểm tra máy tạo oxy, sửa chữa máy bơm... nhưng vẫn lo lắng mỗi khi có bão.

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát tán và lây lan, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi thủy sản. Để giảm thiểu thiệt hại, các hộ nuôi cá lồng ở xã Tân Lễ đã chủ động gia cố bờ bao, hệ thống thoát nước, bảo đảm an toàn cho cá. Tuy nhiên, nuôi cá lồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão vì nguy cơ nước sông ô nhiễm, thay đổi môi trường nước... 

Chị Trần Phương Mỹ, quản lý trại cá xã Tân Lễ cho biết: Khó khăn lớn nhất của các hộ nuôi cá lồng trên sông khi có bão là mực nước trên sông sẽ dâng cao, rác đổ nhiều, mắc vào các lồng gây bệnh cho đàn cá. Bên cạnh đó, nếu không gia cố các khung sắt sẽ làm lồng bè trôi dạt trên sông. Chính vì vậy, chúng tôi đã làm dây neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi thời tiết diễn biến xấu có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra mối hàn, điểm nối để gia cố cho chắc chắn.

Mô hình nuôi cá lồng ở xã Tân Lễ (Hưng Hà).

Chủ động các biện pháp ứng phó

Hiện nay xã Tân Lễ có 24 lồng cá ven sông và một vùng NTTS 22ha của 18 hộ dân. Các hộ dân ở đây đều được cán bộ chuyên môn của huyện tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một số lồng nuôi cá, tạo thuận lợi để các hộ có điều kiện phát triển mô hình. 

Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với mưa bão. Đối với vùng NTTS, chỉ đạo người dân kiểm tra và tu bổ bờ ao chắc chắn; phát quang cành cây xung quanh ao và khơi thông mương, rãnh, tạo đường thoát nước. Đặt máy bơm công suất lớn tiêu úng nước tại các vùng trọng điểm, tập trung khi cần thiết. Đối với vùng nuôi cá lồng, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh khu vực quy hoạch nuôi cá lồng lên phần cửa sông để bảo đảm cho cá sinh trưởng và phát triển cũng như môi trường, tốc độ dòng nước.

Ông Nguyễn Đại Dương, xã Điệp Nông cho biết: Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông, tôi đã quen với những công việc khi mùa mưa bão đến. Từ việc kiểm tra, gia cố hệ thống lồng nuôi, thay mới những tấm lưới cũ đến việc di chuyển lồng cá đến những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh làm vỡ lồng, bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá tôi đều chủ động làm sớm. Nhờ vậy, đến thời điểm này 30 lồng cá của gia đình tôi đều được bảo vệ an toàn.

Các hộ làm dây neo với cọc cố định trên bờ khi có diễn biến xấu về thời tiết.

Hiện nay, nhiều diện tích NTTS của các địa phương trong huyện Hưng Hà nằm trong vùng sản xuất đa canh, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thủy sản và gây thiệt hại cho người nuôi. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chúng tôi khuyến cáo các hộ NTTS thường xuyên kiểm tra ao, đầm, lồng, bè, gia cố lại lưới, hệ thống dây neo, các trang thiết bị bảo đảm an toàn và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát thủy sản. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng cần khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích thước thương phẩm, di chuyển lồng, bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ. Trong thời gian bão, áp thấp nhiệt đới cần giảm hoặc dừng cho cá ăn, khi có mưa lớn tiến hành xả nước tầng mặt; sau mưa, bão cần bổ sung khoáng chất, men tiêu hóa cho đối tượng nuôi và sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi. Huyện Hưng Hà khuyến khích các hộ NTTS đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
 

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày