Thứ 6, 27/12/2024, 09:35[GMT+7]

Nghị quyết 37 làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội Phú Thọ

Thứ 4, 24/07/2019 | 08:01:46
1,284 lượt xem
Sau 15 năm triển khai, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị tỉnh Phú Thọ đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thành Trung)

Ngày 23/7, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ dự hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm triển khai, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị tỉnh Phú Thọ đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Tỉnh Phú Thọ đã khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu cơ bản của tỉnh so với các tỉnh trong vùng luôn đạt ở mức khá và cao hơn bình quân chung của cả nước. Số hộ nghèo giảm nhanh, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo trong tỉnh có nhiều chuyển biến…

Trong giai đoạn 2004 - 2018, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết số 37, tập trung vào những khâu đột phá, những chương trình, dự án có tính lan tỏa cao như: Chính sách về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch, cải cách hành chính… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,77%; quy mô GRDP tăng 7 lần, từ 8.183,5 tỉ đồng năm 2004 lên 57.351,7 tỉ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng (năm 2004) lên 40,8 triệu đồng năm 2018. So với các tiêu chí đánh giá về tốc độ phát triển, Phú Thọ xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc bộ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,1% (năm 2004 là trên 30%). Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững ổn định.

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá khách quan những thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được; những khó khăn, hạn chế qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về các kết quả đạt được và thành tựu cơ bản trong thực hiện Nghị quyết sát với thực tiễn của địa phương; Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém; Dự báo tình hình quốc tế, trong nước, vùng và lợi thế, cơ hội, điểm yếu, thách thức của tỉnh; Tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu và kết quả đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh Phú Thọ qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37 và Kết luận 26 của Bộ Chính trị. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết, góp phần thay đổi thực chất bộ mặt đô thị và nông thôn trên mọi mặt; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Phú Thọ trở thành vùng đất bình yên, đáng sống, được coi là giá trị quan trọng của sự phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Phú Thọ nằm trong vùng giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, là trung tâm phát triển kinh tế không chỉ với các tỉnh miền ngược, mà còn kết nối với các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Ngoài tiềm năng phát triển kinh tế, Phú Thọ còn có bề dày văn hóa lâu đời với hai di sản Hát xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa của nhân loại… Vì thế, Phú Thọ cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách, Phú Thọ cần tạo dựng môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Bắc, trong đó có Phú Thọ. Ngoài ra, Phú Thọ cần tập trung khai thác triệt để những lợi thế, tiềm năng sẵn có như: Phát triển rừng từ khai thác ngắn ngày sang rừng gỗ lớn; tập trung đầu tư cho phát triển cây ăn quả; phát triển cây chè, cải tạo các loại giống mới… hướng tới phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp sạch thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, Phú Thọ cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nội tỉnh; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, tập trung xây dựng và phát triển Phú Thọ trở thành trung tâm hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, chế biến và logistic của vùng. Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục chiến lược phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tận dụng lợi thế nằm trong vùng thủ đô; chuyển đổi rừng từ ngắn ngày sang trồng gỗ lớn; phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế; nghiên cứu các giống mới cho chất lượng và phù hợp hơn với thị trường để nâng cao giá trị gia tăng; chăn nuôi cần chuyển sang mô hình trang trại quy mô lớn…

Đánh giá Phú Thọ có tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp nhưng kết quả phát triển hiện tại còn khiêm tốn, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tỉnh cần nghiên cứu hướng đi và quy hoạch để phát triển công nghiệp, trước mắt tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ, các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Cần nghiên cứu quỹ đất để dành cơ hội cho các nhà đầu tư tốt, phù hợp với chiến lược đã đề ra; hướng tới thu hút các doanh nghiệp có quy mô, công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực, thân thiện với môi trường… Đồng chí cũng lưu ý tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch theo hướng tích lũy dần và phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng và tỉnh Phú Thọ.

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu Phú Thọ cần tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ trong giai đoạn tiếp theo./.

Theo: dangcongsan.vn