Thứ 7, 27/04/2024, 09:28[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 7)

Thứ 2, 22/05/2017 | 09:13:44
1,318 lượt xem
Mặc dù hỏa lực của quân đội Mỹ từ bộ binh, pháo binh, xe tăng, không quân đã tăng tới mức tối đa chúng vẫn liên tiếp bị thất bại. Tuy nhiên khi đụng độ với các loại vũ khí sát thương mạnh như thế này, quân giải phóng cũng bị tổn thất đáng kể. Nhưng ý chí chiến đấu quyết tâm giải phóng miền Nam ngày càng tăng lên.

Chợ Lớn, tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Kỳ 7: Mậu Thân - dấu ấn lịch sử

Để chuẩn bị cho chiến dịch đánh lớn trong dịp tết Mậu Thân, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc được vận chuyển trên con đường biển ngày càng cấp thiết. Các cựu binh từng là thủy thủ, thuyền trưởng trên những con tàu ngày đó nhớ lại. Để có được những chuyến vũ khí phục vụ chiến dịch Mậu Thân, nhiều con tàu đã cảm tử vượt  qua sự  phong tỏa dày đặc của tàu chiến Mỹ. Không ít con tàu khi đụng độ tàu địch tuần tiễu bao vây trên biển, thuyền trưởng, thủy thủ đã anh dũng chiến đấu nhiều người hy sinh cùng con tàu, quyết không để vũ khí lọt vào tay quân Mỹ. Thuyền trưởng Vũ Tiến Ích cho biết: Trong một chuyến, 4 con tàu chở vũ khí phục vụ tết Mậu Thân đều bị địch bao vây. Ba con tàu phải phá hủy cho súng đạn chìm xuống biển, chỉ duy nhất có tàu 56 của chính trị viên Đỗ Sạn phá được vòng vây vào bến an toàn. Nhờ có những con tàu cảm tử đưa vũ khí vào chiến trường, quân giải phóng có điều kiện chiến đấu thực hiện cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968. Là cái mốc đánh đấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ, góp phần phá sản chiến lược phản ứng toàn cầu của người Mỹ.

Sau cuộc chiến tranh, cựu binh nhiều đơn vị tổ chức đi tìm đồng đội và thăm lại vùng đất họ đã từng chiến đấu. Huế, nơi diễn ra cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 giờ đây dấu vết không còn nhiều. Cố đô xưa nay trở thành di sản văn hóa thế giới, mỗi năm đón hàng vạn du khách thăm quan. Nhiều cựu binh vẫn nhớ, Huế của hơn 40 năm trước. Tướng William Westmoreland tổng chi huy quân đội Mỹ tại Việt Nam nhận định, quân giải phóng sẽ tấn công Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Khe Sanh vào mùa khô. Vì thế hầu hết người Mỹ cùng đồng minh Việt Nam Cộng hòa tin như thế và họ đã bất ngờ, lúng túng khi cuộc tổng tấn công diễn ra sớm hơn người Mỹ dự định. Rạng sáng ngày 30/1/1968 quân giải phóng đồng loạt tấn công trên toàn miền Nam, tấn công vào các đô thị căn cứ của đối phương, tập trung là ở Sài Gòn, Huế và một số nơi khác.

Tại thành phố Huế phát động nhân dân khởi nghĩa vũ trang, tiêu diệt quân địch, lập chính quyền cách mạng, huy động toàn dân phục vụ chiến dịch, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược. Tập trung đánh chiếm đồn mang cá, đầu não của chi huy Mỹ, ngụy. Lực lượng địch cố thủ trong nội đô phối hợp quân bên ngoài tăng viện, phản công lại quyết liệt. Ở các hướng tấn công khác, quân giải phóng đã chọn phương án mạo hiểm nhất đánh thẳng vào hậu phương của đối phương. Sau khi chiếm đồn mang cá vào một số chi khu quân sự, tiếp tục tấn công vào nội đô, từng bước tiêu diệt quân địch và chiếm lĩnh thành phố.

Ngay đêm đầu tiên mở màn chiến dịch lực lượng biệt động Sài Gòn đã tấn công vào các mục tiêu khó tin nhất: toà đại sứ, dinh tổng thống, đài phát thanh, bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất làm náo loạn hệ thống phòng vệ, rung động bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, choáng váng đối với quan thầy Mỹ. Sau đó quân giải phóng tiếp ứng vào thành phố, chiến đấu, tiếp quản các mục tiêu trên. Quân Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa luống cuống phản công. Sau đó huy động lực lượng bao vây chống trả quyết liệt.

Được chứng kiến cảnh tượng biệt động chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn đêm hôm đó, ông Vũ Ngọc Đình cho biết: Ngày 31 tháng Giêng năm 1968, lính thủy đánh bộ tòa đại sứ và cảnh sát quân sự Mỹ đã chống lại, đẩy lùi lực lượng tấn công. Nhưng ngay sau đó quân giải phóng tiếp tục đánh chiếm nhiều mục tiêu khác trong thành phố. Cuộc chiến diễn ra tại nhiều điểm trong và ngoài thành phố giữa quân Mỹ và quân giải phóng căng thẳng, kéo dài. Phía địch không thể ngờ giữa đất Sài Gòn lực lượng phòng thủ có phương tiện chiến tranh dày đặc mà quân giải phóng vẫn lọt vô đánh chiếm. Cuộc tổng tấn công khiến quân đội Mỹ bất ngờ, lúng túng. Nhưng ngay sau đó họ củng cố lực lượng ngăn chặn và đã gây nên sự kiện đẫm máu cho cả hai phía. Hàng vạn lính Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt. Phía quân giải phóng cũng bị tổn thất đáng kể.

Hàng chục nghĩa trang trên đất Nam Bộ, từ miền Đông, Tây Nguyên đến đường 9 Quảng Trị trở thành ban thờ của Tổ quốc, trở thành nơi ghi dấu chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Cục diện chiến trường sau cuộc tổng tấn công đợt một bắt đầu thay đổi. Quân đội Mỹ cố thủ tại các vùng chiến sự được tăng cường quân số và phương tiện vũ khí. Tuy vậy chúng vẫn chủ yếu co cụm phòng thủ hoặc chống trả yếu ớt để tránh thương vong, chết chóc. Nhưng chúng vẫn không tránh khỏi. Lực lượng quân giải phóng tiếp tục bao vây đánh chiếm một số mục tiêu ngoài thành phố. Đồng thời bổ sung quân, củng cố lực lượng để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.

Đây là thành phố Huế sau những trận giao chiến quyết liệt. Quân địch đốt phá nhiều cơ sở cầu đường để ngăn lực lượng đối phương. Thành phố trở nên tan hoang, đổ nát. Người dân hoảng sợ sơ tán ra vùng ngoại ô. Một số cầu cống và những mục tiêu bị tấn công, lính Mỹ, lính quân đội Sài Gòn chết và bị thương vong la liệt, ùn tắc dọc trên những con đường, cây cầu nơi chúng rút quân. Đây là hình ảnh quân viễn chinh bại trận. Cuộc tấn công đã tạo bất ngờ lớn, gây chấn động dư luận, làm tổn thất đáng kể cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Cựu binh Mỹ Bruce Weigl có mặt ở chiến trường Việt Nam từ năm 1967, cho biết: Tôi ra nhập ngũ năm 1967. Đầu tiên tôi không có khái niệm gì về Việt Nam. Tôi cũng không chống lại Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình lao động, vào quân ngũ, bảo vệ đất nước là trách nhiệm của công dân. Những mất mát trong chiến tranh Việt Nam là rất lớn không phải ai cũng biết được chiến tranh là sai lầm thật khó để có thể hình dung chính xác là tại sao chúng tôi lại đến đó. Ai đó nói rằng ở Việt Nam có nhiều dầu mỏ. Cũng không cần lý do, vì đơn giản người gây nên chiến tranh là sai lầm, nó đã hủy hoại đất nước đó một cách nghiêm trọng.

Theo nguồn tin của người Mỹ để chống lại quân giải phóng tấn công Sài Gòn, tướng Westmoreland đã tung ra năm ngàn quân cùng xe tăng, xe bọc thép của lữ đoàn thiết giáp số 11 và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vây quanh Sài Gòn, gây nên những tổn thất lớn cho cả hai phía.

Những ngày sau đó quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa tiếp tục vây ráp, chống trả. Xe tăng của địch phóng về phía sân bay Tân Sơn Nhất chống đỡ, giải vây sân bay và một hướng co cụm tại sân bay Biên Hòa để phòng thủ.

(Còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa