Thứ 5, 09/05/2024, 17:24[GMT+7]

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tạo cơ sở để đánh giá sự phát triển của các đơn vị kinh tế

Thứ 6, 30/06/2017 | 09:02:08
1,881 lượt xem
Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã diễn ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/3/2017 và đến ngày 1/7/2017 sẽ bước sang giai đoạn 2, đó là thực hiện thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Như Nên (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) là một trong những đơn vị thuộc diện điều tra giai đoạn 2 của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Đây là cuộc tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để đánh giá sự phát triển của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 tỉnh.

Phóng viên: Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô rộng và nội dung phức tạp, xin đồng chí cho biết kết quả những công việc đã tiến hành trong tổng điều tra tại địa phương?

Đồng chí Phạm Văn Ca: Về quy mô các cơ sở kinh tế, Thái Bình có 4.077 doanh nghiệp, 2.679 cơ sở hành chính, 1.782 cơ sở tôn giáo và hơn 124.000 cơ sở cá thể phi nông, lâm, thủy sản; riêng cơ sở cá thể Thái Bình có quy mô lớn, xếp thứ 7 toàn quốc (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang) và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó, để cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 đạt kết quả tốt, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực. Cùng với việc thành lập ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 23/2/2017 chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê trong quá trình triển khai công tác tổng điều tra. Ban chỉ đạo các cấp cũng lập kế hoạch phân công các thành viên thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm thực hiện các bước điều tra theo đúng quy trình, đúng phương án và kế hoạch. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát từ khâu rà soát lập danh sách, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, tổ chức thu thập thông tin, nghiệm thu bàn giao phiếu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép qua các hội nghị, ban hành tài liệu hỏi đáp về cuộc tổng điều tra…

Với sự chủ động và phối hợp kịp thời của các cấp, các ngành, cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm này, toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành công tác thu thập thông tin toàn bộ các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp và tôn giáo, tín ngưỡng.

Phóng viên: Cuộc tổng điều tra kinh tế đã triển khai giai đoạn 1 đối với khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp, tôn giáo và đang khẩn trương bước vào điều tra giai đoạn 2 với khối cá thể. Xin đồng chí cho biết Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì để thực hiện tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo?

Đồng chí Phạm Văn Ca: Từ thực tiễn triển khai điều tra trong giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo tỉnh đã rút ra những kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho giai đoạn 2 như sau:

Thứ nhất, ban chỉ đạo các cấp cần tổ chức họp giao ban định kỳ, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, kịp thời nắm bắt kỹ tiến độ các nội dung triển khai, đặc biệt là tiến độ thu thập thông tin phiếu điều tra; kịp thời đề xuất, giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh tại địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê, không để cơ quan thống kê đơn độc thực hiện; có kế hoạch khen thưởng đột xuất các đơn vị, cá nhân đạt thành tích tốt trong giai đoạn 1, nghiêm khắc phê bình và cần thiết phải xử lý nghiêm những đơn vị chưa thực hiện tốt kế hoạch điều tra.

Thứ hai, phải bảo đảm số lượng và chất lượng điều tra viên, kể cả lực lượng dự phòng. Do nội dung phiếu thu thập thông tin khó và đa dạng, khối lượng đơn vị điều tra lớn, phức tạp nên việc tuyển chọn lực lượng điều tra viên có đầy đủ trình độ, năng lực, sức khỏe để thực hiện các công việc trong suốt quá trình điều tra có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng thông tin thu thập. Do đó, lực lượng điều tra viên phải được tập huấn nghiệp vụ kỹ trước khi điều tra, phải nắm rõ ý nghĩa, mục đích, nội dung, phương pháp tổng điều tra.

Thứ ba, ban chỉ đạo, tổ thường trực, giám sát viên các cấp phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa bàn, nhất là trong những ngày đầu thực hiện công tác thu thập thông tin ghi phiếu; phát hiện và bổ khuyết kịp thời những sai sót về chuyên môn nghiệp vụ cho điều tra viên, tổ trưởng. Tập trung kiểm tra, giám sát những điều tra viên mới, những địa bàn có quy mô cá thể lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng, phức tạp. Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác tổng hợp nhanh, quy trình nghiệm thu tổng điều tra theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo trung ương.

Thứ tư, công tác tuyên truyền phải diễn ra thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền trước và trong thời điểm điều tra. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng để các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng, cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho điều tra viên.

Phóng viên: Kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quản lý, điều hành cũng như xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Ca: Có thể nói, kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 là căn cứ tốt nhất để đánh giá toàn diện sự phát triển của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Kết quả sản xuất, kinh doanh, quy mô và chất lượng lao động, thực hiện nghĩa vụ ngân sách, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin… của các đơn vị được phân tổ chi tiết theo từng huyện, thành phố, theo ngành kinh tế và hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của từng địa phương. Đồng thời, kết quả tổng điều tra là nguồn thông tin để rà soát, tính toán, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016, năm 2017 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; là căn cứ để bổ sung về mặt quy mô chỉ tiêu tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu gốc để thực hiện việc chọn mẫu cho các cuộc điều tra chuyên ngành của địa phương. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng để nghiên cứu, phân tích nhiều khía cạnh của nền kinh tế, nhằm phản ánh bức tranh trung thực và đa dạng về cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và lĩnh vực của tỉnh; đồng thời, ban hành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đưa tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Hương 

(thực hiện)


Ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Hưng Hà

Đến hết giai đoạn 1, huyện Hưng Hà đã hoàn thành công tác rà soát, lập bảng kê và bàn giao cho Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 tỉnh với tổng số 375 doanh nghiệp, hợp tác xã; 243 cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp; 177 cơ sở tôn giáo. Hưng Hà là huyện có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể lớn, toàn huyện có 21.110 cơ sở có địa điểm cố định cần được điều tra bằng phiếu và 1.231 cơ sở không có địa điểm cố định được lập danh sách gửi về Ban Chỉ đạo tỉnh. Do đó, để hoàn thành tốt giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo huyện đã tổ chức rà soát, lập bảng kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; lựa chọn, cử 141 điều tra viên và 37 tổ trưởng tổ điều tra tham gia điều tra trực tiếp; đồng thời, tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn cách phỏng vấn và ghi phiếu điều tra cho các điều tra viên. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo huyện còn chuẩn bị đầy đủ phiếu điều tra, văn phòng phẩm phục vụ công tác điều tra, sẵn sàng ra quân tổ chức thu thập thông tin vào ngày 1/7/2017.

Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 xã Tự Tân (Vũ Thư)

Ngay sau khi tỉnh và huyện triển khai kế hoạch tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tự Tân đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế xã gồm 5 thành viên. Để phục vụ cho việc điều tra khối cá thể trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao, tháng 4/2017, xã đã lập danh sách bảng kê các đối tượng điều tra với tổng số 202 hộ kinh doanh cá thể, lựa chọn 2 điều tra viên là những người đã có kinh nghiệm trong thực hiện các cuộc tổng điều tra ở địa phương và sinh sống ở thôn tập trung đông hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, bố trí cho các điều tra viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Ban Chỉ đạo tỉnh và huyện tổ chức, đồng thời giao cho cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã phụ trách công tác thống kê trực tiếp theo dõi, đôn đốc các điều tra viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Với sự chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, Tự Tân phấn đấu hoàn thành việc thu thập thông tin đối với khối cá thể trước ngày 20/7.

Chị Vũ Hà Thu, điều tra viên thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư

Được Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 thị trấn Vũ Thư chọn làm điều tra viên phục vụ cho việc điều tra khối cá thể, tôi rất vinh dự và ý thức được rằng đây là cuộc tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá được chính xác sự phát triển về quy mô cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế trên địa bàn. Đến nay tôi đã được tham gia 2 lớp tập huấn do Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế huyện tổ chức, đó là tập huấn nghiệp vụ điều tra và lập bảng kê hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hoàn thành việc chuẩn bị thu thập thông tin đối với gần 200 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn đã được phân công; đồng thời, nhận phiếu điều tra để chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra quân thu thập thông tin vào ngày 1/7/2017. Mặc dù địa bàn thị trấn Vũ Thư có số lượng hộ kinh doanh cá thể lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng nhưng với kinh nghiệm đã được tích lũy từ các cuộc tổng điều tra trước, tôi tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt vai trò của một điều tra viên, từ đó đóng góp tích cực vào thành công của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn huyện.

Ngân Hà