Thứ 5, 09/05/2024, 18:58[GMT+7]

Cảnh giác với đồ chơi độc hại cho trẻ em

Thứ 3, 11/09/2018 | 09:03:33
4,440 lượt xem
Đồ chơi là một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ để các em vui chơi và là phương tiện giúp trẻ phát triển trí tuệ nhiều hơn. Vào dịp tết Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em tràn ngập, việc lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ thật sự là vấn đề “đau đầu” của các bậc phụ huynh.

Đội Quản lý thị trường số 3, huyện Quỳnh Phụ tịch thu, tiêu hủy đồ chơi nhập lậu.

Mê cung đồ chơi

Những ngày này, dạo qua các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em từ thành thị tới nông thôn, nơi đâu cũng bày bán la liệt các mặt hàng với đủ chủng loại, mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng bắt mắt hấp dẫn trẻ em. Song điều đáng quan ngại nhất là loại đồ chơi nguy hiểm, độc hại có xuất xứ Trung Quốc trà trộn bán cùng các đồ chơi truyền thống, đồ chơi do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. 

Chị Vũ Thị Hoa, xã Hòa Bình (Vũ Thư) đưa con đi mua đồ chơi ở một cửa hàng tại thị trấn Vũ Thư chia sẻ: Các loại đồ chơi của Trung Quốc có giá rẻ và hình thức rất hấp dẫn trẻ khiến chúng nằng nặc đòi mua. Tôi đã cố gắng chọn cho con những đồ chơi không kích động bạo lực, nhưng vấn đề nó có độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe không thì tôi không biết.

Ở nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em, không khó để tìm thấy các sản phẩm như: súng, dao, kiếm bằng nhựa, bộ đồ chơi gia đình chú lợn Peppa, các con thú nhựa, bồ đồ chơi búp bê tập bú sữa, đồ chơi gắn nam châm, đồ chơi phát sáng, vòng đeo tay, nhẫn được làm từ hạt nhựa, đồ chơi hình lựu đạn, mặt nạ quỷ...

Tất cả các loại đồ chơi này nếu đến tay trẻ em chơi sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe, an toàn tính mạng và tác động xấu đến tâm lý, nhân cách của trẻ. Súng, dao, kiếm, đồ chơi hình lựu đạn có thể gây tổn thương ở mắt; đồng thời kích động bạo lực. Các con thú nhựa có góc cạnh sắc nhọn cũng dễ gây tổn thương cơ thể, nhất là mắt của trẻ. Nhiều loại đồ chơi kích cỡ nhỏ có nguy cơ làm tắc nghẽn đường hô hấp khi trẻ em vô ý nuốt vào miệng. 

Theo kết quả nghiên cứu từ Phòng Kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các hạt nhựa màu, các loại đồ chơi trang sức nhựa xuất xứ Trung Quốc có chứa hợp chất polyacryamit, phthalate rất độc hại, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư. Quá trình tiếp xúc với các loại đồ chơi có chứa các chất phthalate có thể bị dính vào tay và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người ảnh hưởng đến gan, thận, làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết, gây vô sinh ở bé trai. Đèn lồng, đồ chơi phát sáng của Trung Quốc rất độc bởi thường được làm từ nhựa tái chế. Mặt nạ quỷ là đồ chơi kinh dị, đầu trọc, tóc tai bơ phờ rất dễ làm trẻ em vô cảm trước nỗi đau, ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ dẫn tới lớn lên ăn mặc quái đản, kỳ cục...

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Để phòng ngừa đồ chơi độc hại xâm nhập vào địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhất là dịp trước tết Trung thu, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo và huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các ngành hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chỉ trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 374 lượt, phát hiện và xử lý 131 vụ vi phạm, phạt hành chính 208.800.000 đồng. Trong đó, đáng chú ý là ngày 25/7, Đội QLTT số 3, huyện Quỳnh Phụ kiểm tra đột xuất xe ô tô biển kiểm soát 29C-707.52 chở hàng đồ chơi trẻ em do ông Đặng Đình Tiến ở xã Vũ Hội (Vũ Thư) là chủ hàng, phát hiện và tịch thu, tiêu hủy 532 sản phẩm thuộc 20 loại hàng hóa đồ chơi trẻ em nhập lậu (chủ yếu là các loại súng, ô tô đồ chơi), xử phạt 4 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Trong tháng 9, Chi cục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn. Bên cạnh kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, các đội cũng chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia...

Một loại súng nhựa bắn ô tô dễ gây thương tích cho trẻ em.

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Trước những nguy cơ xâm hại đến tính mạng, nhân cách và sức khỏe của trẻ em do đồ chơi độc hại gây ra, đơn vị đã tham mưu một số giải pháp cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về công tác bảo vệ trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong toàn tỉnh nắm được những kỹ năng phòng tránh gây thương tích; trong đó có nhận biết về đồ chơi độc hại cần tránh. Để bảo vệ quyền lợi và an toàn cho trẻ em, chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành và cả cộng đồng vào cuộc phát hiện, xử lý nghiêm và lên án các trường hợp cố tình vi phạm Luật Trẻ em, kinh doanh đồ chơi trẻ em độc hại.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: (a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép; (d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm; (đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.
(Khoản 4, Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP)

 Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày