Thứ 5, 09/05/2024, 16:19[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất - ý Đảng hợp lòng dân (Kỳ 2)

Thứ 5, 13/12/2018 | 08:37:25
3,381 lượt xem
Tích tụ ruộng đất là chủ trương đúng, trúng, cộng với những cách làm mới trên cánh đồng cũ đã và đang mang lại “quả ngọt”, tạo ra những khoảng sáng trong bức tranh nông nghiệp Hưng Hà. Đó cũng là động lực để huyện tiếp tục có nhiều giải pháp mở rộng diện tích tích tụ ruộng đất nhằm mở đường cho một nền nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.

Nông dân xã Điệp Nông (Hưng Hà) chăm sóc cây màu vụ đông.

KỲ 2: HƯỚNG ĐI TẤT YẾU CHO CÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA

Theo chia sẻ của ông Đinh Văn Sâm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Dân Chủ, việc tích tụ ruộng đất sản xuất theo hướng hàng hóa không chỉ đưa giá trị thu được cao từ 3 - 5 lần so với cấy lúa truyền thống mà còn góp phần để ruộng đất không còn manh mún, tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa lớn vào sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 

Còn theo anh Bùi Đình Hiếu, xã Hồng An: Trong quá trình thực hiện, khác với phương thức canh tác manh mún truyền thống, việc tích tụ diện tích lớn tạo thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, tạo ra ưu thế cạnh tranh cho nông sản.

Tích tụ ruộng đất có thể nói là “cuộc cách mạng” đối với sản xuất nông nghiệp ở Hưng Hà để hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Đồng thời cũng đặt ra bài toán lớn đối với địa phương khi chuyển từ cách làm cũ sang cách làm mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu sắc về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của tích tụ ruộng đất. Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn hạn chế, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Đặc thù về điều kiện đất đai, tập quán canh tác nên sản xuất nông nghiệp manh mún, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp.

Khắc phục những hạn chế trên trong thực hiện tích tụ ruộng đất, Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo về dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chí nông thôn mới để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. 

Theo ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh: Để việc tích tụ đạt kết quả tốt, địa phương đã tận dụng tối đa cơ chế hỗ trợ của tỉnh đối với mô hình tích tụ ruộng đất để mở rộng diện tích tích tụ. Hỗ trợ xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi ở vùng sản xuất cánh đồng lớn, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao... Địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện cho nhau mượn, thuê lại ruộng, quy vùng thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gắn với cây màu vụ hè, vụ đông, bước đầu đạt kết quả tốt.

Mô hình tích tụ ruộng đất trồng bí đỏ xuất khẩu của anh Bùi Văn Vũ, xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Xác định việc tích tụ ruộng đất là chủ trương đúng đắn và là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển cho sản xuất nông nghiệp, mới đây, huyện Hưng Hà đã triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. 

Điển hình như vụ lúa xuân năm 2019, huyện có cơ chế hỗ trợ giá giống lúa để nông dân liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, gieo cấy từ 1.000ha lúa hàng hóa, chỉ đạo các xã liên kết với Công ty An Đình gieo cấy 300 - 500ha lúa Nhật, ưu tiên các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương có định hướng, quy hoạch, kế hoạch dồn điền đổi thửa theo quy hoạch để tạo quỹ đất. 

Ngoài ra, các địa phương trong huyện cũng xác định việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có giá trị cao cho các vùng sinh thái theo hướng đột phá về quy mô tích tụ ruộng đất, công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, tạo đột phá trong tích tụ ruộng đất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tích tụ ruộng đất hiệu quả. Trong đó, chú trọng chỉ đạo các xã, thị trấn phải gắn việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới với việc liên kết cùng doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê lại đất để sản xuất hàng hóa. Trong quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất, “nút thắt” rất lớn trong tâm lý, nhận thức của bà con nông dân là lo ngại sẽ mất đất sản xuất, không có việc làm, do vậy phải tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ lợi ích của họ không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các phòng, ngành, các địa phương trong huyện cần chủ động xây dựng cơ chế, kích cầu trong tích tụ ruộng đất; nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn thủ tục hành chính, phương thức, phương pháp tích tụ ruộng đất cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả ngày một cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hưng (tỉnh Hải Dương)

Vụ đông này là vụ đầu tiên gia đình tôi thuê 50 mẫu đất ở xã Điệp Nông (Hưng Hà) để đưa cây cà rốt vào trồng với đầu tư ban đầu trên 2 tỷ đồng. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của địa phương cùng với thời tiết thuận lợi, dự kiến vụ này sản lượng đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào. Gia đình tôi cũng thuê 10 - 20 lao động tại chỗ nhằm tạo việc làm cho bà con nông dân. Theo tôi, đạt được những kết quả bước đầu trong tích tụ ruộng đất bên cạnh việc dám nghĩ, dám làm chúng tôi rất cần sự ủng hộ của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân địa phương. Đặc biệt là có sự hỗ trợ về các khâu dịch vụ như dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật... thì việc tích tụ mới thực sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà)

Sản xuất với vài ba sào ruộng khiến nông dân mãi nghèo. Vì thế, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu để có giá trị cao hơn, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Để việc tích tụ ruộng đất đạt hiệu quả cao chúng tôi mong có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có điều kiện xây dựng cơ sở bảo quản sơ chế biến sản phẩm thô. Nông dân cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất cũng như có cơ chế, chính sách về thuê mượn, chuyển nhượng đất đai ổn định lâu dài, thủ tục thuê mượn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuận tiện, đúng luật.

Mai Thư