Thứ 5, 09/05/2024, 06:29[GMT+7]

Cảnh báo gia tăng bệnh nhi nhập viện do trời lạnh

Thứ 6, 18/01/2019 | 09:59:58
972 lượt xem
Miền Bắc đang trong những ngày không khí lạnh tăng cường, độ mạnh kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân, trong đó có trẻ nhỏ. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú trọng tìm hiểu cách chăm sóc trẻ đúng cách để bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, trong những ngày thời tiết lạnh sâu, số trẻ mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng hơn nhiều so với ngày thường. Số trẻ mắc bệnh phải nhập viện điều trị nội trú gia tăng nhiều nhất chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Tại Khoa Sơ sinh, các bác sĩ cho biết: Bình thường mỗi ngày tại Khoa chỉ có khoảng 25 bệnh nhi điều trị nội trú. Song những ngày rét lạnh gần đây có ngày có gần 50 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Để khắc phục tình trạng nằm ghép và lây chéo trong bệnh viện, Bệnh viện đã bố trí cân đối giường bệnh từ các khoa, kê thêm giường bệnh tại những khoa đông bệnh nhân để đáp ứng nhu cầu.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân trẻ mắc bệnh gia tăng bởi trẻ ở lứa tuổi này, đặc biệt là trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, sức đề kháng còn yếu, khả năng miễn dịch kém. Do chưa thích nghi với thời tiết và chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt, lại gặp thời tiết khắc nghiệt, lạnh sâu bất thường kéo dài nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh, không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Do trời lạnh, khi trẻ hít thở, không khí lạnh xâm nhập vào làm đường thở của trẻ khô. Ngoài ra, do trời lạnh là môi trường thuận lợi cho các loại virus gây bệnh, đặc biệt là virus gây viêm nhiễm ở tai mũi họng phát triển. Vì vậy, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, suy hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidan, viêm mũi... Ngoài ra, do trời lạnh, nhiều bậc phụ huynh vì muốn giữ ấm cho con nên hạn chế vệ sinh da hoặc vệ sinh không đúng cách, không vệ sinh, thay tã, tắm rửa cho trẻ thường xuyên nên da trẻ dễ bị hăm ở những vùng da như háng, cổ, nách... Nhiều bậc cha mẹ sợ trẻ nhiễm lạnh nên quấn bọc và cho mặc nhiều quần áo quá kín, bí, làm da trẻ không được thông thoáng. Nhiều trẻ do được ủ quá ấm bằng túi bọc, nằm đệm chất nilon khiến thân nhiệt tăng, mồ hôi thoát ra không được lau kịp thời ngấm ngược lại cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi, ngứa, viêm da dị ứng... Chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ của một bệnh nhi đến từ Quỳnh Phụ đang phải điều trị nội trú do vừa bị bệnh đường hô hấp vừa bị bệnh ngoài da chia sẻ: Lên đến bệnh viện, nghe các bác sĩ giải thích, hướng dẫn mới thấy mình cẩn thận quá khi giữ ấm cho con trong những ngày rét đậm có khi lại chính là nguyên nhân làm bé mắc bệnh. Những ngày ở viện, chị Thanh đã được cán bộ y tế hướng dẫn chu đáo cách chăm sóc, ăn uống và vệ sinh cho trẻ, đặc biệt trong những ngày thời tiết bất thường nên chị hy vọng sau đợt nằm viện này sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con.

Dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục còn nhiều đợt không khí lạnh tăng cường. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình khuyến cáo các bậc cha mẹ có con nhỏ: Khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời, cần hết sức chú ý cho trẻ mặc ấm, tránh gió lùa trực tiếp vào người. Chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa lạnh phải luôn bảo đảm cho trẻ đủ ấm, đặc biệt giữ ấm miệng, mũi, cổ, chân để tránh mắc các bệnh đường hô hấp. Nhưng gia đình cũng cần phải thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ cho trẻ bằng cách tắm rửa, thay tã lót thường xuyên. Khi vệ sinh cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để trẻ không bị nhiễm lạnh. Nơi tắm cho trẻ phải kín gió, nếu có điều kiện cần sưởi ấm phòng tắm, không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm cho trẻ, nếu lạnh quá chỉ cần tắm cho trẻ khoảng 2 - 3 lần/tuần là đủ. Cần mặc quần áo ấm cho trẻ, đội mũ vải mềm, che cả tai, mang tất tay và chân cho trẻ. Thường xuyên sờ tay chân trẻ, nếu thấy lạnh thì mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, ôm trẻ vào lòng mẹ và cho bú. Cần cho trẻ bú mẹ đầy đủ cũng là cách hữu hiệu giữ trẻ ấm và bởi sữa mẹ giúp trẻ bảo vệ thân nhiệt và chống nhiễm khuẩn, nâng cao sức đề kháng. Phòng trẻ nằm phải đủ ánh sáng, thoáng khí, không có gió lùa. Đặc biệt, không được sưởi ấm cho trẻ bằng cách đốt bếp than, bếp củi trong phòng ở của trẻ để tránh bị ngộ độc khí thở. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu... Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, tiêm phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ trong độ tuổi tiêm phòng đầy đủ, bảo đảm sức đề kháng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày