Thứ 6, 26/04/2024, 23:45[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thông tin trên mạng internet

Thứ 7, 12/08/2017 | 15:52:23
5,352 lượt xem
Mạng internet được ứng dụng, sử dụng tại Việt Nam từ năm 1998 đến nay. Thông qua mạng internet, mỗi cá nhân, công dân có thể tiếp cận với hệ thống thông tin toàn cầu, với các kho kiến thức về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời, thông qua các trang thông tin cá nhân cho phép mọi người khi đăng nhập có thể trao đổi thông tin, kết bạn, chia sẻ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ…trên mọi góc cạnh của đời sống xã hội, ở tất cả các tầng lớp nhân dân.

Mạng internet được ứng dụng, sử dụng tại Việt Nam và tỉnh Thái Bình từ năm 1998 đến nay. Thông qua mạng internet, mỗi cá nhân, công dân có thể tiếp cận với hệ thống thông tin toàn cầu, với các kho kiến thức về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời, thông qua các trang thông tin cá nhân cho phép mọi người khi đăng nhập có thể trao đổi thông tin, kết bạn, chia sẻ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ…trên mọi góc cạnh của đời sống xã hội, ở tất cả các tầng lớp nhân dân.

Ở Thái Bình, sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, mạng lưới viễn thông (nơi cung cấp đường truyền internet) đã được đầu tư hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc trong nước và quốc tế, cung cấp các loại hình dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao tới các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Hệ thống truyền dẫn cáp quang và mạng truy nhập băng rộng đã cung cấp đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tốc độ phát triển thuê bao và số người dùng có nhu cầu hàng năm tăng; đến nay, toàn tỉnh có 498.236 thuê bao truy cập mạng internet, với số người sử dụng là 795.190, tỷ lệ người dùng internet trên 100 dân đạt 42,73%. 100% các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện sử dụng mạng internet và các tiện ích, phần mềm chuyên dùng trong thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ… Mạng internet đã và đang dần trở thành một trong những nhu cầu thông tin thiết yếu trong xã hội, là một trong những kênh truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; kết nối thông tin, giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam nói chung, của tỉnh Thái Bình nói riêng tới nhân dân trong và ngoài nước; đồng thời, giúp cho các đơn vị, cá nhân ứng dụng các tiện ích của mạng internet trong cuộc sống hàng ngày. Có thể khẳng định: việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và mạng internet nói riêng đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng internet cũng có những mặt trái và tác động rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến trận địa tư tưởng của Đảng, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến mỗi người dân trong tỉnh, như: mất cắp dữ liệu cá nhân, mất tiền từ tài khoản ngân hàng, bị nhiễm vi rút, mã độc, bị mạo danh... đặc biệt, những thông tin trái với các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin nội dung độc hại, truyện, phim ảnh trái thuần phong mỹ tục, trò chơi bạo lực lan tràn trên các trang mạng xã hội. 

Một số thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn chính trị đã triệt để lợi dụng mạng internet, các trang mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nước ta với mục đích xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Với thủ đoạn xảo quyệt, các thế lực thù địch đã lập ra hàng trăm trang web, blog cá nhân mà phần lớn máy chủ đặt ở nước ngoài để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; tuyên truyền tập hợp lực lượng, thành lập các “hội”, “nhóm” bất hợp pháp đứng lên hô hào đấu tranh cho cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”; “tôn giáo” ở Việt Nam; kích động văn nghệ sĩ đòi “tự do sáng tác”, “tự do công bố” các tác phẩm văn học, phản đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, báo chí... Chúng đẩy mạnh các hành động “xâm lăng văn hóa” thông qua các kênh chiếu phim, các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí để truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực... trái với thuần phong, mỹ tục của văn hóa Việt Nam, nhằm lôi kéo, tha hóa (nhất là giới trẻ) xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống… thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. 

Nhận thức rõ những mặt tích cực, cũng như mặt trái của các kênh thông tin trên mạng internet và các trang mạng xã hội, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát huy những ưu điểm của công nghệ thông tin, mạng internet vào phục vụ các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng thông tin tích cực, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên mạng intetrnet. 

Đã thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ về mặt trái của những thông tin đăng tải trên mạng internet giúp tăng “sức đề kháng” và sự “tự miễn dịch" cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, phá hoại của các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc trên mạng internet. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ; quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật phát ngôn, không để nảy sinh những khuynh hướng, quan điểm sai trái để các thế lực thù địch có thể lợi dụng kích động, lôi kéo, móc nối tham gia các “diễn đàn”, hội, nhóm chính trị đối lập; thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu trên máy tính; tăng cường công tác nắm thông tin trên mạng nhằm ngăn chặn, vô hiệu hóa các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động, thông tin sai trái phát tán vào tỉnh; trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng internet một cách khoa học và đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác quản lý vấn đề cung cấp, sử dụng dịch vụ inetrnet và thông tin trên mạng inetrnet; đã ban hành các văn bản quy định về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý hoạt động điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt các nội dung công việc liên quan đến hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về lĩnh vực internet đối với các đại lý internet và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; chủ động, phối hợp với các với sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thông tin trên internet; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet trong việc ngăn chặn các trang thông tin có nội dung xấu, độc. Các cơ quan, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thực hiện các giải pháp về tư tưởng chính trị và kỹ thuật để chặn lọc, bóc gỡ, vô hiệu hóa, hạn chế sự lan truyền của các thông tin xấu, độc trong xã hội. 

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn có những cá nhân sử dụng mạng internet và các trang mạng xã hội tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá, bịa đặt, tung tin thất thiệt, phát tán thông tin, hình ảnh xấu, độc hại, không đúng sự thật về một số vấn đề của tỉnh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới tư tưởng, đạo đức, lối sống và một số giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân khai thác, sử dụng internet còn thiếu kinh nghiệm, chưa nhận diện, phân biệt được các nội dung thật, giả, đúng, sai trước thông tin đa dạng, nhiều chiều trên mạng dẫn đến nảy sinh tư tưởng hoài nghi vào các chủ trương, đường lối của Đảng, sự điều hành của chính quyền và có những phát ngôn chưa đúng đắn. Tình trạng chia sẻ thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu tính xây dựng trong các mặt của đời sống xã hội trên các Fabook cá nhân của người dân trong tỉnh còn xảy ra nhiều, khó kiểm soát; lối sống ảo, nghiện internet, nghiện chơi game trực tuyến trong học sinh, sinh viên và thanh niên trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, cá biệt đem lại những suy nghĩ lệch lạc, không chỉ gây ra những hậu quả và hệ lụy khôn lường ngay chính đối với bản thân các em học sinh, sinh viên, thanh niên mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Công tác quản lý, sử dụng mạng internet còn hạn chế, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực internet chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển nhanh và tính chất không biên giới của mạng internet. 

(Đối với một hành vi trên internet có thể bị coi là vi phạm pháp luật ở quốc gia này nhưng lại vẫn được phép ở một quốc gia khác, vì vậy việc xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm trên môi trường mạng cũng bị giới hạn, chỉ có tác dụng nhất định khi người vi phạm, hành vi vi phạm xảy ra ở quốc gia đó). 

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm tuy đã được tăng cường nhưng năng lực bộ máy thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu cán bộ thanh tra chuyên ngành; năng lực kỹ thuật xử lý, ngăn chặn thông tin sai phạm từ các máy chủ đặt tại nước ngoài còn nhiều bất cập. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đạt được hiệu quả răn đe. Vấn đề bảo mật và an ninh mạng đối với hệ thống các máy tính của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế (thời gian qua, một số máy tính của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị vi rút tấn công đe dọa đến an toàn an ninh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp). 

Mặt trái của mạng internet đã và đang tạo ra các hệ lụy trong xã hội, gây nên sự lo lắng, bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa của tỉnh. Đồng thời, những khó khăn trong việc quản lý, đấu tranh, ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của mặt trái mạng internet đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đề ra các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thông tin trên mạng internet; đấu tranh, phản bác trước các thông tin, luận điệu sai trái, thù địch và hướng người dân khai thác, sử dụng những giá trị, tính ưu việt của không gian mạng phục vụ đời sống xã hội.

Tiến sĩ  Nguyễn Hồng Chuyên 

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày