Thứ 6, 10/05/2024, 13:28[GMT+7]

Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI: Thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Thứ 5, 12/07/2018 | 10:24:27
2,565 lượt xem
Ngày 12/7, kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Các đại biểu dự kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự phiên họp. Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên họp.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các ý kiến phát biểu thảo luận, câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn rõ ràng, không trùng lặp, đi thẳng vào trọng tâm, đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Đại tá Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tham luận về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nổi bật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2018; đồng chí Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phát biểu tham luận về tình hình thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; đại biểu Vũ Huy Đông, tổ Hưng Hà phát biểu tham luận về giải pháp và cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; đại biểu Đặng Văn Đằng, tổ Quỳnh Phụ phát biểu tham luận về thực trạng công tác sản xuất nông nghiệp hiện nay, các giải pháp để nâng cao phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; đại biểu Phạm Văn Hằng, tổ Đông Hưng phát biểu tham luận về các giải pháp để tăng thu ngân sách 6 tháng đầu năm, phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và phương phướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của huyện Đông Hưng; đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận với nội dung nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (tổ Thái Thụy) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương và biện pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện chủ trương của tỉnh về tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn vì đến nay có một số địa phương đã triển khai được nhân dân đồng tình ủng hộ song chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Công Thương về trách nhiệm quản lý của ngành và giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán, lưu thông công khai gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Cũng đề cập đến vấn đề này, các đại biểu: Trần Thị Ngọc Bích (tổ Hưng Hà), Trịnh Quang Hiệp (tổ Hưng Hà), Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) kiến nghị với tỉnh, Sở Công Thương, Bộ Công Thương ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn hàng hóa bảo đảm chất lượng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông danh mục những sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

Đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp đến, đại biểu Lê Hồng Sơn (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về thực trạng việc xử lý nước thải, chất thải rắn tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như thế nào và số cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm tiêu chuẩn là bao nhiêu? Nguyên nhân của các tồn tại và biện pháp tham mưu của ngành trong việc khắc phục những tồn tại trong thời gian tới. Đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) cũng chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường với nội dung: Tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri có kiến nghị dự án hoàn thiện và hiện đại hóa quản lý đất đai của tỉnh khởi động từ cuối năm 2008, đã hoàn thành trên địa bàn thành phố Thái Bình và 4 huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Vũ Thư. Tuy nhiên thực tế đến nay, nhiều hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng người dân trong các dự án khu đô thị  khi xây nhà tự ý lấn vùng lưu thông, đất công cộng nên đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, vấn đề này Sở sẽ tham mưu với tỉnh xử lý như thế nào để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Đại biểu Trần Thị Ngọc Bích (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tiến độ triển khai xây dựng các lò đốt rác, đến nay đạt hiệu quả như thế nào?

Về lĩnh vực y tế, đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Y tế về thực trạng công tác khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở trong thời gian qua. Tại sao các trạm y tế đã được đầu tư trang thiết bị nhưng người dân vẫn vượt tuyến, không khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, giải pháp của ngành để giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, buổi chiều ngày 12/7, dưới sự điều hành của đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. 

Đại biểu Vũ Đức Điến (tổ Đông Hưng) chất vấn tại hội trường.

Trong  lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Vũ Đức Điến (tổ Đông Hưng) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về căn cứ, cơ sở của việc thực hiện giảng dạy môn Tin học tại các trường tiểu học, trách nhiệm quản lý, thời điểm thực hiện, số trường thực hiện? Thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Tin học tại các trường tiểu học trên địa bàn, việc thực hiện chính sách, chế độ với đội ngũ giáo viên này? Giải pháp của ngành trong những năm học tới để triển khai có hiệu quả việc thực hiện giảng dạy môn Tin học tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh? Đại biểu Trần Thị Ngọc Bích (tổ Hưng Hà) cũng chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình dạy môn tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay? Đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về giải pháp khắc phục tình trạng quá tải trường, lớp hiện nay? Hệ thống công trình vệ sinh của các trường học hiện chưa bảo đảm, giải pháp của ngành để giải quyết triệt để vấn đề này, đặc biệt là với các trường trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về việc xử lý các hành vi phát tán thông tin, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tổ chức và cá nhân trên một số trang mạng xã hội; sử dụng trang mạng để hoạt động, đăng tải các thông tin trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, xúi giục, lôi kéo, kích động  người khác phạm tội hoặc các hành vi gây hại cho họat động của mạng internet, mạng máy tính.

Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông trả lời chất vấn.

Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, thủ trưởng các sở, ngành đã trả lời chất vấn đúng, trúng vấn đề đại biểu chất vấn, cử tri quan tâm, chỉ rõ mặt được, chưa được, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, đề ra được giải pháp, lộ trình khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lĩnh vực ngành quản lý, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. 

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá phiên thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và xây dựng, đã có nhiều lượt đại biểu phát biểu thảo luận, đặt câu hỏi chất vấn và tham gia tranh luận những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc. Đồng chí cũng phân tích làm sâu sắc thêm những vấn đề đại biểu chất vấn, cử tri quan tâm; đề nghị sau kỳ họp này, thủ trưởng các sở, ngành tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý mà đại biểu đã chất vấn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm 2018.

Phiên chất vấn tại hội trường.

Cũng trong phiên họp chiều nay, đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu HĐND tỉnh.

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu giải trình, tiếp thu làm rõ một số vấn đề đã được đại biểu có ý kiến tại kỳ họp.

* Tại kỳ họp thứ sáu, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các ý kiến phát biểu thảo luận đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm.

Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi các ý kiến phát biểu của đại biểu, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương tại kỳ họp.

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự

Đại tá Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng triệt để mạng internet, mạng xã hội kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 6/2018, lợi dụng việc Quốc hội thảo luận dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thông qua Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu tăng cường các hoạt động kích động, biểu tình, gây rối an ninh trật tự trên cả nước. An ninh tôn giáo cơ bản ổn định, tuy nhiên, một số đối tượng theo “Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ” hoạt động trái phép gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tình hình an ninh kinh tế được bảo đảm, tuy nhiên tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm chậm, có một số dự án phức tạp về an ninh trật tự. Tình hình khiếu kiện trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp… Để làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự; triển khai các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc tại địa phương. Chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động lưu vong, ngăn chặn các hoạt động liên kết, móc nối của tổ chức phản động lưu vong với số chức sắc cực đoan trong tôn giáo. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6,7 (khóa XII). Tăng cường công tác quản lý cán bộ, giáo dục chính trị, tư tưởng, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, kỷ cương, kỷ luật. Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm từ cơ sở. Công an tỉnh đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế; việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhất là các dự án luật quan trọng, nhạy cảm được xã hội quan tâm. Tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình an ninh trật tự; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, xác minh giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để phức tạp, kéo dài…

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn

Đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Toàn tỉnh hiện có gần 3.200 thiết chế văn hóa, tín ngưỡng có dấu hiệu di tích đang được tiến hành đánh giá, phân loại đưa vào từng danh mục, phục vụ việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và xếp hạng di tích trong toàn tỉnh. Trong số đó có 651 di tích đã được xếp hạng với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích cấp quốc gia và 538 di tích cấp tỉnh, phần lớn đều đang trong tình trạng xuống cấp, đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo. Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách hơn 130,1 tỷ đồng đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt và di tích trọng điểm. Ngân sách tỉnh cũng bố trí hơn 26,33 tỷ đồng xây dựng đường vào các khu di tích trọng điểm và mỗi năm 2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa để tu sửa cấp thiết cho khoảng 50 di tích. Tuy nhiên, trong các hồ sơ dự án, hầu hết cấp huyện, xã ít đầu tư ngân sách cho di tích. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý di tích còn để xảy ra tình trạng bị xâm phạm về đất đai, bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, chiếm dụng công trình di tích để sử dụng không đúng mục đích; tự ý mở rộng khuôn viên di tích và xây dựng công trình mới, đưa hiện vật mới, hiện vật lạ vào di tích khi chưa được sự đồng chí của cấp có thẩm quyền… Để khắc phục những tồn tại nêu trên và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn một cách bền vững, khoa học, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa. Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu về giá trị, ý nghĩa của di tích và ý thức bảo vệ các giá trị cốt lõi của di tích, tuân thủ nghiêm túc những quy định của Luật Di sản và pháp luật liên quan, hạn chế thấp nhất việc làm biến dạng, biến tướng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sở sẽ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý di tích và lễ hội trên địa bàn tỉnh nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của ban quản lý di tích cấp xã, cấp huyện được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo vệ di tích và tổ chức lễ hội. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cần quan tâm hơn nữa tới việc chủ động kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa và bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, định kỳ và đột xuất đối với di tích trên địa bàn toàn tỉnh, xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong công tác quản lý di tích ở các cơ sở

Sớm bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh

Đồng chí Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Theo quy hoạch tổng thể tuyến quốc lộ ven biển đã được Chính phủ phê duyệt, đoạn tuyến qua Thái Bình và cầu vượt sông Hồng dài 44,5km từ Đò Gảnh (Thụy Tân, Thái Thụy) vượt sông Hồng tại xã Nam Phú (Tiền Hải) nối với xã Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định). Đây cũng là đoạn tuyến đường rất quan trọng nhằm kết nối Thái Bình với Hải Phòng, Quảng Ninh là các trọng điểm kinh tế phía Bắc, đồng thời góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh ven biển, Khu Kinh tế biển Thái Bình. Từ cuối năm 2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn tỉnh tiến hành các thủ tục trình Chính phủ. Đến nay, Chính phủ đã có Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình với tổng chiều dài tuyến khoảng 35,5km, xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định tại xã Giao Thủy. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.100 tỷ đồng; ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 1.593 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án 23 năm 3 tháng. Thời gian bắt đầu xây dựng từ năm 2018 đến năm 2021. Tỉnh đã chủ động triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi Bộ Giao thông Vận tải có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định các nội dung còn lại, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt dự án dự kiến trong tháng 8/2018. Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chủ đầu tư, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các bước tiếp theo. Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng dự án; triển khai thực hiện dự án, quyết toán và chuyển giao công trình. Ngày 22/6/2018, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tiền Hải, Thái Thụy và Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh khẩn trương thực hiện cắm cộc mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới theo hồ sơ bước thiết kế dự án và tổ chức giải phóng mặt bằng thu hồi đất phục vụ thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Để khởi công dự án theo dự kiến trong quý I/2019, đề nghị tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí nguồn vốn trung ương để giải ngân cho các hợp đồng xây lắp, tư vấn, giải phóng mặt bằng. HĐND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn của địa phương bảo đảm cơ cấu đã được phê duyệt theo tiến độ hàng năm. Sở Giao thông Vận tải tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc tiến độ, quản lý chất lượng công trình và giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đông Hưng phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đại biểu Phạm Văn Hằng, tổ Đông Hưng.

Đến thời điểm 31/12/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) toàn huyện Đông Hưng là 208.036 triệu đồng. Để xử lý nợ đọng XDCB, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn ngay từ khi lập dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 ưu tiên tập trung xử lý nợ đọng XDCB, nếu xã nào để nợ đọng kéo dài thì người đứng đầu xã đó phải chịu trách nhiệm. Các phòng Tài chính - Kế toán, Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND các xã, thị trấn rà soát khả năng đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 để xây dựng phương án trả nợ. Căn cứ danh mục đã được duyệt, UBND các xã trình HĐND xã phê duyệt danh mục công trình. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ ký kế hoạch vốn thanh toán cho các công trình còn nợ, công trình chuyển tiếp sau khi trả nợ xong nếu còn nguồn mới ký cho các danh mục công trình khởi công mới. Theo kế hoạch, các xã đã bố trí thanh toán nợ XDCB trong năm 2018 là 188.552 triệu đồng. Đến hết tháng 6 năm 2018, UBND huyện đã bố trí kế hoạch vốn để thanh toán nợ XDCB 19.584 triệu đồng, đạt 100% tổng số nợ XDCB năm 2017 chuyển sang; cấp xã đã thanh toán được 53.961 triệu đồng/tổng nợ XDCB đến ngày 31/12/2017, đạt 28,7%; có thêm 3 xã đã xử lý xong nợ, nâng tổng số xã không còn nợ đọng XDCB toàn huyện lên 8 xã. Trong quá trình xử lý, thanh toán nợ đọng XDCB ở cấp xã thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: Việc thực hiện quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất ở một số xã còn chậm; một số xã có nguồn đất quy hoạch để đấu giá nhưng giá trị thấp; việc huy động các nguồn đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân cho thanh toán nợ đọng khó khăn; thời gian nộp tiền đấu giá vào ngân sách còn dài từ 30-90 ngày nên nhiều xã đã thực hiện xong việc đấu giá nhưng tiền vẫn chưa được nộp vào ngân sách để thanh toán nợ đọng XDCB. Để thực hiện có hiệu quả việc thanh toán nợ đọng XDCB năm 2018, phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành xử lý nợ đọng, huyện Đông Hưng chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm các văn bản của tỉnh, của huyện về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nợ đọng XDCB. Xây dựng và thẩm định kế hoạch nhằm tiếp tục rà soát chính xác các dự án còn nợ đọng cũng như khả năng phát sinh nợ đọng và dự kiến nhu cầu vốn, khả năng đáp ứng vốn theo từng quỹ của từng địa phương. Tăng cường giám sát, kiểm tra, định kỳ hàng quỹ đánh giá và chấp hành nghiêm chế độ báo cáo thực hiện kế hoạch xử lý nợ đọng XDCB. Tổ chức đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch. Kho bạc Nhà nước huyện thực hiện thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định về thứ tự ưu tiên; tập trung mọi nguồn lực để thanh toán nợ kể cả nguồn 50% tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách các cấp. Các xã, thị trấn không triển khai việc xây dựng các công trình mới, giãn hoãn tiến độ, điểm dừng kỹ thuật đối với công trình dở dang khi chưa hoàn thành xử lý nợ đọng XDCB để tránh phát sinh nợ mới. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các ngành giúp các xã đẩy nhanh thực hiện các thủ tục hồ sơ về đất; Phòng Kinh tế - Hạ tầng không thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình của các xã chưa xử lý nợ XDCB. Tăng cường công tác kiểm tra, thẩm tra, phê duyệt dự toán, quyết toán vốn đầu tư XDCB công trình hoàn thành theo đúng quy định, không để vi phạm thời gian quyết toán dự toán hoàn thành, chống thất thoát, lãng phí trong XDCB. Đề nghị tỉnh tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho những xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới, có cơ chế đặc thù cho các xã khó khăn.

Tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Đại biểu Đặng Văn Đằng, tổ Quỳnh Phụ.

Những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh đã có nhiều ưu tiên, quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bằng những chính sách có tầm vĩ mô, lâu dài như xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí phát triển sản xuất theo hướng bền vững, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Các giải pháp tình thế cũng được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ sản xuất sau thiên tai, dich bệnh, hỗ trợ sản xuất theo mùa vụ nhưng sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp những năm qua còn chậm, không bền vững, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, thu nhập người nông dân còn thấp. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang chịu ảnh hưởng rất lớn về thời tiết do biến đổi khí hậu, sâu bệnh, chuột, ốc bươu vàng phá hoại, giá cả… ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân. Hơn thế, nhiều hộ nông dân còn sản xuất tự phát nên tình trạng “được mùa, rớt giá” thường xảy ra, khiến một số hộ nông dân ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngại trồng cây vụ đông, nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, nhất là trong sản xuất vụ mùa. Để khắc phục khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả  kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân, các nhà khoa học, các ngành chức năng cần nghiên cứu chuyển đổi mùa vụ hợp lý kết hợp với việc vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Có biện pháp, cơ chế hỗ trợ hợp lý giúp nông dân đối phó với những nguy cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là bệnh lùn sọc đen, chuột… UBND tỉnh cần có những chính sách và ưu tiên hợp lý để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như xây dựng các vùng sản xuất công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa an toàn, xây dựng chợ đầu mối nông sản, khu chế biến; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân trong ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với công ty, doanh nghiệp. Khuyến khích và có các biện pháp đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, cần có phương án cụ thể dồn chuyển diện tích không có nhu cầu sản xuất, tạo thành vùng quy mô lớn để các hộ có phương tiện máy móc, các doanh nghiệp thuê đất sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ để nông dân khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ vào lĩnh vực phục vụ sản xuất có tính lâu dài như hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển, hiệu quả, để  người nông dân yên tâm sản xuất.

TBĐT



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày