Thứ 4, 01/05/2024, 16:31[GMT+7]

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với... chiến dịch ba ngày

Thứ 3, 08/10/2013 | 08:26:11
7,378 lượt xem
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự ở khả năng nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ. Khi cần đánh nhanh thì đánh rất nhanh; khi thực tế chiến trường cần phải kiên trì, đánh chắc, thì thực hành đánh chắc, thậm chí thay đổi cả thế trận đã bày sẵn để chuẩn bị lại vì mục tiêu chắc thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu bàn bạc kế hoạch giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu

Là cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) làm nhiệm vụ tại Tổng hành dinh trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại không thể quên những kỷ niệm sâu sắc bên Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là với Chiến dịch Quảng Nam-Đà Nẵng chỉ diễn ra trong 3 ngày (từ 27 đến 29-3-1975).

 

Trong căn phòng ấm cúng ở khu phố Liễu Giai, nhà riêng của Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, ông lặng người xúc động khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông tâm sự: "Những ngày được làm việc bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những ngày thật đẹp, ghi dấu ấn sâu đậm và đáng nhớ nhất". Ông đã học tập ở Đại tướng tác phong làm việc, thiên tài chỉ huy, sự quyết đoán, linh hoạt và tấm lòng đôn hậu.

 

Đầu tháng 3-1975, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại được điều động về công tác tại Cục Tác chiến. Ông nhớ lại: Trong quá trình nghiên cứu kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, bộ phận nghiên cứu do Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn chỉ đạo trực tiếp đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm, đặt những đầu bài để triển khai. Cùng với kế hoạch chiến lược trên đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta thông qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thời cơ, nghĩa là khi thời cơ xuất hiện, phải chớp lấy để đẩy nhanh cuộc tổng tiến công và nổi dậy, khẩn trương giải phóng miền Nam...

 

Thực tế chiến trường diễn ra với tốc độ mau lẹ, thời cơ liên tiếp xuất hiện, với sự chỉ đạo xây dựng kế hoạch thời cơ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nắm chắc thời cơ, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi. Để tạo ra bước ngoặt đột phá Buôn Mê Thuột, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo giải quyết nhiều bài toán chiến lược ở chiến trường Trị-Thiên-Huế, Khu 5 và Nam Bộ để hỗ trợ đắc lực cho Tây Nguyên. Đó là mở các chiến dịch Thượng Đức; sử dụng các đơn vị đánh cắt đường 19, đường 21; tiến công khu vực tây nam Huế theo trục đường 14... Các hoạt động quân sự ở hai hướng trên khiến địch không phán đoán được ý định chiến lược của ta, nên không dám rút lực lượng dự bị chiến lược về cứu Tây Nguyên. 

 

Sau khi Huế và Quảng Ngãi được giải phóng (25-3-1975), quân địch ở Đà Nẵng rối loạn. Song Đà Nẵng là một căn cứ lớn của quân đội Sài Gòn, nếu không giải phóng nhanh, địch có thời gian củng cố lực lượng sẽ gây khó khăn rất lớn cho ta, chậm một ngày là ta có thể hy sinh hàng vạn bộ đội. Đà Nẵng có khoảng 75.000 quân chủ lực Sài Gòn đồn trú, chưa kể số quân dù và lực lượng từ các nơi khác rút chạy về. Đà Nẵng còn có 3 sân bay, quân cảng lớn, lực lượng không quân và hải quân còn rất mạnh. Theo tính toán của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, thì ta thu quân ở Huế, đánh vào Đà Nẵng được phải mất một tháng. Với thời gian đó, địch sẽ củng cố lực lượng với các căn cứ, trận địa xây dựng từ trước, Đà Nẵng còn là tập đoàn cứ điểm mạnh hơn Điện Biên Phủ hàng trăm lần! Vì vậy, việc giải phóng Đà Nẵng, hoàn thành đòn tiến công chiến lược thứ hai là nhiệm vụ rất khẩn trương. Theo tính toán của cơ quan Bộ Tổng tham mưu, ta thu quân và đánh dứt điểm Đà Nẵng phải mất 10 ngày.

 

Ngày 25-3-1975, ta thành lập Bộ tư lệnh Chiến dịch Quảng Nam-Đà Nẵng, do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Lúc này, đồng chí Tư lệnh đang ở Hà Nội, đồng chí Chính ủy đang ở Tam Kỳ (Quảng Namon>). Việc liên lạc, hiệp đồng giữa Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch đều thông qua điện đài vô tuyến điện với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Trong cuộc thông qua Quyết tâm chiến dịch, mọi điều đều được thông qua nhanh. Còn về thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Tư lệnh Lê Trọng Tấn: “Thời gian dứt điểm Đà Nẵng là bao lâu?”. Tư lệnh báo cáo xin 7 ngày, rồi rút xuống còn 5 ngày, nhưng đều không được Tổng Tư lệnh chấp nhận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chỉ 3 ngày thôi!”. Một vị tướng giỏi chỉ huy trận mạc như Tư lệnh Lê Trọng Tấn còn do dự với mốc thời gian ấy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nếu không phải anh là Tư lệnh, thì tôi đã ra lệnh rồi!”. Và thực tế Chiến dịch Quảng Nam-Đà Nẵng đã diễn ra đúng 3 ngày (từ 27 đến 29-3-1975), ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Ngày 1-4-1975, Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn bay ra Hà Nội báo cáo Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp để xin mở cánh quân phía Đông tiến công vào Sài Gòn. Trung tướng Lê Trọng Tấn đã xin lỗi Tổng Tư lệnh về sự do dự trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xua tay và khen ngợi: "Giỏi lắm, giỏi lắm!".

 

Đồng thời với chiến dịch và chiến thắng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu làm kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Trong các dự thảo văn kiện kế hoạch, cơ quan ghi “nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", khi báo cáo Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải sửa ngay là “thần tốc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tự tay thảo bức điện chỉ đạo với mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Namon>. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện thảo bằng tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã trở thành văn kiện lịch sử.   

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự ở khả năng nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ. Khi cần đánh nhanh thì đánh rất nhanh; khi thực tế chiến trường cần phải kiên trì, đánh chắc, thì thực hành đánh chắc, thậm chí thay đổi cả thế trận đã bày sẵn để chuẩn bị lại vì mục tiêu chắc thắng. Các chiến dịch Biên Giới, Tây Bắc, Điện Biên Phủ và nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước do Đại tướng là Tổng Tư lệnh, chỉ huy đã chứng minh điều đó.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa

Nguyễn Văn Nam - 4 năm trước

Đại tướng một thiên tài về Quân sự. Tính nhân văn, hiền hòa, yêu chuộng hòa bình. Tôn trọng điều hay lẽ phải. Đại tướng mãi mãi trong lòng người dân Việt Nam

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày