Thứ 7, 27/04/2024, 02:32[GMT+7]

Quan hệ quân - dân trong tư duy quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ 5, 22/12/2016 | 08:36:43
3,034 lượt xem
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi vĩnh hằng nhưng ông sống mãi trong lòng dân tộc. Đơn giản vì Đại tướng không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự” mà còn là “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”, đưa mối quan hệ quân - dân trở thành mẫu hình của đội quân công tác, đội quân chiến đấu, tạo nên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thân thương trong lòng nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa, Thanh Hóa tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973. Ảnh tư liệu

Ngược dòng thời gian, ngày 22/12/1949, nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Trong thư Người nêu rõ: "...Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước yêu dân cho nên hy sinh gian khổ. Quân đội ta luôn giữ gìn và phát huy truyền thống anh dũng của quân đội giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng trong 10 điều kỷ luật. Quân đội ta quen gọi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta…".

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi nhà báo Pháp D.Ba-ri phỏng vấn về chiến lược của Việt Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Chiến lược của chúng tôi là chiến lược hòa bình. Tôi là vị tướng của hòa bình". Tướng Bi-gia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã thốt lên: "Xin ngả mũ kính chào, nghiêng mình bái phục tướng Giáp".

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, cử nhân triết học, luật sư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấm nhuần sâu sắc tư tưởng "trọng dân", "nước lấy dân làm gốc" của các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông. Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông đã trực tiếp soạn thảo "Mười lời thề" cho Đội, trong đó nhiều nội dung đề cập đến quan hệ quân - dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (tháng 4/2004). Ảnh tư liệu

Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở chỉ huy các mặt trận, lãnh đạo các địa phương: "Thà tạm thời để mất đất chứ nhất quyết không để mất dân". Trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân - dân trở thành một trong những tinh hoa và truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh thân thương Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Với Đại tướng, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với điều kiện tiên quyết: Giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội.

Chuyện kể rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, thương vong của địch quá lớn, tử thương la liệt khắp trận địa. Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị thảo ngay một bức thư gửi bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, nội dung: "Cho người ra Him Lam nhận tử thương". Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, Đại tướng cùng bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng nhiều lều bằng vải dù để cứu chữa cho tù binh, hàng binh bị thương. Một nữ tù binh sau khi được phẫu thuật, cứu sống kịp thời đã thốt lên: "Cha mẹ tôi sinh ra tôi nhưng chính nhân dân và quân đội Việt Nam đã cứu tôi sống lại".

Với bản thân, cái "tôi" trong con người Võ Nguyên Giáp là cái tôi "vì dân vì nước". Ông là người nghiêm khắc nhưng khiêm tốn, bình dị, thanh cao, độ lượng. Trong cuộc sống, Đại tướng thường nói về cái tốt, cái đúng của đồng chí, đồng đội, hiếm khi thấy ông thanh minh bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân. Khi đề cập đến chiến thắng của các chiến dịch, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, bao giờ và trước hết Đại tướng cũng nói đến vai trò của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước, cảm ơn sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của bè bạn năm châu.

Có lẽ, ngay từ khi dấn thân vào cuộc đời binh nghiệp, thầy giáo Võ Nguyên Giáp không hề nghĩ rằng ông sẽ "làm tướng". Suốt chặng đường hoạt động cách mạng, trong đó hơn một phần ba thế kỷ trực tiếp cầm quân, Đại tướng luôn xứng đáng là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Cũng chính vì vậy mà Đại tướng sống mãi trong lòng dân tộc.

Việt Bảo

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày