Thứ 6, 03/05/2024, 11:04[GMT+7]

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức của cựu chiến binh

Thứ 4, 09/10/2013 | 08:44:53
3,669 lượt xem
Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập… Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã để lại sự thương tiếc cho người dân trong nước cũng như bạn bè thế giới.

Cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trần Lãm (Thành phố Thái Bình) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 4/2005). Ảnh: Tư liệu

Mỗi ngày, có hàng nghìn người trên khắp các miền Tổ quốc tìm về căn nhà số 30 – Hoàng Diệu (Hà Nội) để tỏ lòng thành kính với vị tướng tài ba, đức độ của dân tộc. Song còn đó hàng triệu trái tim vẫn ngày đêm hướng về Đại tướng, trong đó có những cựu chiến binh (CCB) do tuổi cao, sức yếu nên không thể trực tiếp đến thăm viếng mà chỉ có thể viếng Đại tướng qua những dòng kỷ niệm như một nén tâm nhang tiễn biệt Người về với đất mẹ.

 

Thu sang đã quá nửa chừng, nắng hanh hao ươm buồn vào cảnh vật. Thu dường như buồn hơn khi Đại tướng vĩnh viễn ra đi. Trong cái nắng hanh vàng, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Lê Đức Tàm (Tổ 22, phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình), nguyên Phó Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, người vinh dự nhiều lần được gặp và nói chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mặc dù đã ở cái tuổi “bát thập” song bác Tàm vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có, dường như thời gian không thể làm mờ phai ký ức của người lính năm xưa. Nhập ngũ năm 1951, bác Tàm được phân về Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 38, Tỉnh đội Thái Bình. Đến tháng 3/1953, bác về công tác tại Đội cứu thương, Sư đoàn 312 trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng tại đây, lần đầu tiên người lính trẻ được gặp Đại tướng.

 

Nhớ về kỷ niệm ngày hôm đó, bác Tàm không ngăn được sự xúc động, mắt thỉnh thoảng ngấn lệ, bác cho biết: “Chúng tôi làm nhiệm vụ cứu thương nên lúc nào cũng phải có mặt ở chiến trường. Tháng 1/1954, mặc dù lúc đó quân đội của ta đã rút hết về địa điểm tập kết và pháo được kéo ra do thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” chỉ còn lực lượng quân đào hào, song chúng tôi vẫn phải bám sát trận địa, sẵn sàng tiến hành sơ cứu cho các chiến sĩ bị thương.

 

Đến đầu tháng 5/1954, trước khi quân ta chuẩn bị tiến đánh đồi A1 khoảng 5 ngày, bác Giáp có đến thăm anh em chiến sĩ ở dưới hào. Bác đến rồi đi rất nhanh, khẩn trương đúng theo phong cách nhà binh song cũng không quên hỏi thăm tình hình của anh em chiến sĩ từ những việc rất nhỏ như “Đồng chí ăn cơm chưa?” hay “Thế bây giờ các cậu làm gì?”. Bên cạnh những lời động viên, bác còn giao nhiệm vụ cho chúng tôi, bác nói: “Đồng chí làm nhiệm vụ cứu thương phải cứu đồng đội và cứu cả mình nữa. Như vậy mới làm tròn nhiệm vụ”. Những lời nói thân tình của bác đã động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều”. Trong suy nghĩ lúc đó, chưa bao giờ bác Tàm nghĩ rằng mình sẽ lại được gặp và nói chuyện cùng Đại tướng thêm một lần nữa. Nhưng may mắn đã đến khi bác về làm công tác bảo vệ tại khu làm việc của Trung ương tại Đồ Sơn (Hải Phòng).

 

Trong suốt quá trình công tác tại đây, bác Tàm được gặp Đại tướng nhiều lần và nhớ mãi những lời hỏi thăm giản dị nhưng thật gần gũi của Đại tướng: “Đồng chí khỏe không?”, “Năm nay bao nhiêu tuổi?”, “Đồng chí làm nhiệm vụ gì?”… Sự quan tâm, gần gũi của bác Giáp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người lính năm nào, để giờ đây phút giây Đại tướng ra đi mãi mãi, bác Tàm đã bật khóc. Dẫu vẫn biết cuộc sống là sinh, ly, tử, biệt song trước sự ra đi của vị tướng tài ba, đức độ, hàng triệu trái tim vẫn không khỏi thổn thức, tiếc thương.

 

Rời nhà bác Tàm, chúng tôi đến thăm nhà bác Phạm Xuân Tài, nguyên Chủ tịch Hội CCB phường Trần Lãm (Thành phố Thái Bình), tác giả bài thơ “Thăm Đại tướng – thỏa lòng mong” được Đại tướng ký lưu bút trong dịp Hội CCB phường đi thăm và chúc sức khỏe Đại tướng năm 2005. Nhớ lại những giây phút ấm tình tướng – sĩ khi đó, bác Tài không giấu được niềm xúc động nghẹn ngào: “Đoàn chúng tôi gồm 31 người đến thăm và chúc sức khỏe Đại tướng vào ngày 22/4/2005. Mặc dù tuổi cao, sức yếu song bác vẫn giành nhiều thời gian để tiếp đoàn. Sau khi thay mặt đoàn báo cáo và chúc sức khỏe Đại tướng, tôi bất ngờ trước câu hỏi của bác: “Anh năm nay bao nhiêu tuổi?”. Sau khi tôi trả lời: “Thưa Đại tướng, chiến sĩ năm nay 64 tuổi”, bác trầm ngâm một lát rồi nói: “Vậy là anh còn trẻ hơn tôi”. Tiếng cười vang lên khắp căn phòng. Trong chuyến đi hôm đó, chúng tôi có mang biếu bác bánh Cáy và gạo nếp – đặc sản của Thái Bình, bác hỏi: “Có phải gạo sạch không?”. Tiếng cười một lần nữa lại vang lên. Sự gần gũi, hóm hỉnh của bác đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong lòng tôi”.

 

Cùng đi với đoàn hôm đó có bác Đỗ Đức Vui, hiện là Chủ tịch Hội CCB phường Trần Lãm, người đã ngâm bài thơ “Thăm Đại tướng – thỏa lòng mong” cho Đại tướng nghe, song do quá hồi hộp nên đồng chí có ngâm sai một câu, sau đó Đại tướng cho ghi âm lại để buổi tối nghe. Buổi gặp gỡ hôm đó đã đi vào tâm trí bác Vui như một kỷ niệm không thể phai mờ, để ngày hôm nay, khi Đại tướng ra đi mãi mãi, bác Vui lại nhủ mình cần phải làm tốt hơn nữa những căn dặn của Đại tướng với cán bộ, hội viên CCB phường năm nào, quyết tâm xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, hội viên gương mẫu; xứng đáng là một tổ chức tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, đáp lại lời răn dạy của Đại tướng “Cựu mà không cũ”.

 

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba, đức độ của dân tộc là một tổn thất vô cùng to lớn. “Lễ tang Người… có thể không đến đấy…/Hàng triệu người… tự cài lấy băng tang…”. Hai câu thơ của thầy giáo Lê Thống Nhất đã nói hộ tình cảm, tấm lòng của hàng triệu người dân Việt Namon> với Đại tướng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước Người - Đại tướng của nhân dân.

Đào Quyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày