Thứ 6, 26/04/2024, 10:37[GMT+7]

Văn nghệ sĩ Thái Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ 2, 26/10/2015 | 09:08:42
2,059 lượt xem
Tháng 10/2013, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức trại sáng tác văn học tại bãi biển Thịnh Long (Nam Định). Khi các phương tiện thông tin đại chúng báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tất cả chúng tôi đều thảng thốt, không tin vào điều mình vừa nghe. Đời người ta, không ai tránh được quy luật tự nhiên. Dẫu biết vậy, nhưng khi nghe thông báo tin buồn, chúng tôi không ai kìm được lòng mình, tất cả đều khóc nấc lên.

Các cháu học sinh hòa vào dòng người viếng Đại tướng tại nhà riêng (số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả của lực lượng vũ trang, người học trò thân thiết nhất của Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa. Lòng chúng tôi đau thắt lại. Ngày Đại tướng đi xa đúng vào ngày trại sáng tác văn học của chúng tôi bế mạc. Trại trưởng Lại Tây Dương bàn với nhà văn Đức Hậu, nhà văn Võ Bá Cường, Nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng trước khi làm lễ bế mạc trại. Các đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Hội và 25 văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác đều trang phục chỉnh tề, đứng nghiêm trang trong hội trường nghe nhà thơ Lại Tây Dương đọc diễn văn tưởng niệm Đại tướng. Một đêm ròng thức trắng, vắt óc suy nghĩ, chọn từng câu, từng từ thích hợp nhất để viết diễn văn, với giọng đọc đầy xúc cảm của nhà thơ, những người có mặt trong buổi lễ trang trọng, thành kính hôm ấy đỏ hoe mắt, rưng rưng lệ, tưởng nhớ công lao trời bể của vị Đại tướng nhân từ, đức độ, tài ba, lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến tên Đại tướng, cả nhân loại đều khâm phục. Tài điều binh khiển tướng, tài chỉ huy chiến trận, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược của Đại tướng đã được sử sách ghi nhận, nhân dân truyền tụng, các nhà văn, nhà thơ viết nhiều và đậm nét. Hầu như các văn nghệ sĩ Thái Bình, kể cả những người chuyên viết văn xuôi, mỗi người có ít nhất một bài thơ viết về Đại tướng; có người còn vừa viết vừa sưu tầm đủ 103 bài thơ, in thành sách để dâng lên anh linh Đại tướng. Nhà thơ Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Bưu điện Việt Nam cho tôi xem bức ảnh Cựu chiến binh Thái Bình tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bài thơ "Vị tướng hiền". Đại tướng cười rất tươi, bắt tay cảm ơn và trân trọng đón nhận tình cảm vô giá. Bài thơ "Vị tướng hiền" của nhà thơ Thanh Tùng được phóng to trên nền vải đỏ:

"Lừng lẫy năm châu trận Điện Biên

Chiến công nhân loại mãi lưu truyền

Danh sư đức độ, lòng thanh bạch

Sự nghiệp anh hùng, trí dũng kiên

Đế quốc rã rời mưu bá chủ

Thực dân tan tác mộng cuồng điên

Hiếu trung son sắt vì dân nước

Văn võ toàn tâm, vị tướng hiền".

Ngay tại lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trại sáng tác văn học Thịnh Long, rất nhiều nhà thơ, nhà văn của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã đọc các bài thơ viết về Đại tướng. Có thể khẳng định, việc tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng tại trại sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình ngay sau khi Đại tướng vừa trút hơi thở cuối cùng là việc làm thiết thực bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc với Đại tướng của văn nghệ sĩ Thái Bình. Trong buổi lễ trang trọng, thành kính hôm ấy, các văn nghệ sĩ đã đề nghị lãnh đạo Hội nên có kế hoạch tổ chức chuyến đi vào Quảng Bình viếng mộ Đại tướng.

Vũng Chùa - Đảo Yến - nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày vui đã đến. Chi hội Văn học xuất quân vào mùa xuân năm Giáp Ngọ. Trên xe, Đại tá Nguyễn Công Viễn kể: Khi nghe tin Đại tướng sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, các đơn vị công binh và nhiều lực lượng khác đã tập trung nhân lực, vật lực, chỉ trong hai ngày hai đêm đã hoàn thành tuyến đường dài 2km từ quốc lộ 1 vào nơi an táng. Tốc độ làm việc rất khẩn trương, chất lượng tuyến đường đặc biệt tốt, đó chính là lòng thành kính của người chiến sĩ với người Anh Cả. Sự tri ân được thể hiện bằng hành động thiết thực. Con đường vừa được thông xe rất kịp giờ đón Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Rất may là đã có lần được đọc bài đăng trên báo An ninh Thủ đô nên tôi biết khá rõ về nơi yên nghỉ của Đại tướng. "Mộ phần của Đại tướng được đặt tại khu vực biển Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Địa điểm an táng Đại tướng là ở lưng chừng triền núi, phía nam mũi Rồng, độ cao 110m. Phía Bắc Vũng Chùa dựa vào dãy núi lớn cao trên 700m. Phía Tây là núi Sú kéo dài như một tay ngai cao 136m. Phía Đông là ngọn Bạch Hổ, như một con hổ lớn và dãy mũi Rồng như một con rồng lớn chạy dài ra biển, mang tên gọi Thanh Long. Từ nơi đặt mộ Đại tướng nhìn xuống sẽ thấy cả một vùng biển rộng, qua khoảng biển đó khoảng 400m là đảo Yến. Theo truyền thuyết từ ngàn xưa để lại thì vùng Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi chim yến tụ hội về đây ríu rít quanh năm, đúng với câu "đất lành chim đậu". Nơi chôn cất Đại tướng là huyệt đại cát. Với những chiến công vì dân, vì nước, với thế đất huyệt mộ đại cát, Đại tướng sẽ là một thiên tướng trấn giữ phía Đông, ngăn trừ mọi âm mưu xâm lấn, làm hại dân Việt, công đức kéo dài vạn vạn năm".

Cứ những chuyện như thế chúng tôi kể cho nhau nghe về công đức của vị tướng hiền tài. Xe của chúng tôi đã đến nơi cần đến. Từ sân bãi đỗ xe rất rộng và đã có hàng trăm chiếc xe đỗ kín, các văn nghệ sĩ quê lúa bước lên con đường dẫn đến nơi Đại tướng yên nghỉ. Dòng người bước đi chầm chậm, các chiến sĩ cảnh vệ hướng dẫn mọi người đi theo hàng lối, trang nghiêm, kính cẩn. Mỗi người được trao một nén hương để thắp trên mộ Đại tướng.

Tối hôm đó, chúng tôi có buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Trong buổi giao lưu, được giới thiệu nhiều nhất vẫn là những vần thơ viết về Đại tướng. Tôi viết văn xuôi, không chuyên về thơ nhưng cũng mạnh dạn đọc bài "Kính dâng Đại tướng vần thơ" mà tôi mới sáng tác.

Cao Bá Khoát
(Tự Tân, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày