Thứ 3, 23/07/2024, 19:16[GMT+7]

Hạ tầng truyền thông với xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 08/01/2013 | 09:11:32
1,234 lượt xem
Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Thái Bình xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Với hướng đi phù hợp, thân thiện, tin rằng lĩnh vực Thông tin và truyền thông sẽ đồng hành và trở thành điểm tựa tạo sức bật đưa Thái Bình nhanh chóng đạt lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thành Tâm

 

Hạ tầng truyền thông

 

Toàn tỉnh hiện có 307 điểm phục vụ bưu chính. 232 điểm Bưu điện văn hóa xã tiếp tục phát huy được vai trò phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, nhất là văn hóa đọc ở nông thôn. Hiện tại, mạng Bưu chính Thái Bình đã đảm bảo được 100% số xã có thư, báo đến trong ngày (Báo Nhân dân). Hạ tầng mạng viễn thông và Internet được đầu tư, trải rộng trên địa bàn tỉnh bao gồm: mạng chuyển mạch cố định, di động, vô tuyến sóng ngắn với hệ thống truyền dẫn: Cáp quang, vi ba và cáp đồng.

 

Tổng số trạm chuyển mạch, truy nhập trong toàn tỉnh là 117 trạm; Mạng cáp quang được thiết lập và tổ chức thành 02 Ring chính với tổng số cáp quang toàn tỉnh là 2.372 km; Mạng cáp đồng được xây dựng rộng khắp, có tổng chiều dài tuyến cáp là 5.461 km. Mạng truyền dẫn vi ba với 85 cặp, tổng dung lượng 800E1.

 

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có trên 1.300 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Với hạ tầng viễn thông phát triển mạnh và độ bao phủ rộng, hiện tại toàn tỉnh đã có khoảng 2.200.000 thuê bao điện thoại, đạt mật độ 120 thuê bao/100 dân, trong đó thuê bao di động chiếm 83% tổng thuê bao, số thuê bao Intenet đạt trên 25.000 thuê bao.

 

Cùng với hệ thống đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố, hệ thống truyền thanh không dây phát triển mạnh tại các xã, phường, thị trấn với trên 200 đài đã góp phần nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân. Hệ thống truyền hình cáp phát triển nhanh tại Thành phố Thái Bình và một số huyện như Đông Hưng, Vũ Thư và Kiến Xương, với trên 15.000 thuê bao, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

 

Đến nay, toàn tỉnh có trên 65% số hộ nông dân xây nhà kiên cố và cao tầng; hơn 90% số hộ sử dụng điện thoại cố định; 77% số hộ sử dụng nước sạch, trên 50% cư dân nông thôn tham gia BHYT... Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm một giảm, hiện chỉ còn hơn 9,1%; giờ đây những hộ nông dân đạt mức thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cũng không còn là hiếm.

 

Thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2010 , Sở TT&TT Thái Bình đã thực hiện cuộc tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn trong toàn tỉnh. Kết quả điều tra tổng số máy tính của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đạt tỷ lệ bình quân là 0,6 máy/người. Có 96% đơn vị nối mạng internet, 76% đơn vị có mạng LAN. Ở các cơ quan cấp huyện tỷ lệ bình quân là 0,6 máy/người, có 95% đơn vị được nối mạng internet, 90% đơn vị nối mạng LAN.

 

Tại thời điểm điều tra, Thái Bình có 286/286 xã, phường, thị trấn có điện thoại cố định, có trạm truyền thanh, có Báo Nhân dân đến trong ngày. Hầu hết các xã trong tỉnh thu được Đài Tiếng nói Việt Namon>, Đài Truyền hình Việt Namon>;  259/286 Văn phòng Đảng ủy (VPĐU) có máy vi tính, 152/286 VPĐU có nối mạng Internet, 42/286 VPĐU có mạng LAN. 276/286 Văn phòng UBND có máy vi tính (tổng số 790 máy), 156/286 Văn phòng UBND có nối mạng Internet, 34/286 Văn phòng UBND có mạng LAN. 30/286 xã, phường, thị trấn có Thư viện, trong đó 7 Thư viện có máy vi tính, 3 Thư viện  có nối mạng Internet. 232/286 xã, phường, thị trấn có điểm Bưu điện văn hóa xã, 59/232 điểm có máy vi tính, 39 điểm có máy vi tính nối mạng internet.  293/296 trường tiểu học có máy vi tính với tổng số 4.086 máy, 274/296 trường có nối mạng Internet, 146 trường có mạng LAN. 276/276 trường trung học cơ sở có máy vi tính, trong đó 258/276 trường có nối mạng Internet, 143 trường có mạng LAN; 47/47 trường THPT có máy vi tính, có nối mạng Internet (với 2.403 máy), trong đó 28 trường có mạng LAN. Những số liệu trên đây là điều kiện thuận lợi, cung cấp cho tỉnh những quyết sách đúng đắn về chủ trương xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng giúp cho việc triển khai thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới được thuận lợi. Lĩnh vực CNTT tại Thái Bình có bước đột phá quan trọng trong cả sản xuất công nghiệp CNTT và ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, là nơi đảm bảo 4 nội dung quan trọng về thông tin, đó là: Duy trì các nội dung tổng hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 27 cổng thành phần; Hệ thống thư điện tử của tỉnh; hệ thống các phần mềm của tỉnh; các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử Thái Bình nhằm phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, trong cải cách hành chính, hướng tới mở ra môi trường giao tiếp và giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, Nhà nước với doanh nghiệp và với mọi công dân, là bước đi quan trọng góp phần để Thái Bình hòa nhập cùng cả nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và có hiệu lực, hiệu quả.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nông thôn hiện nay vẫn còn một số bất cập, như: Hạ tầng thông tin và truyền thông và trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, nhân dân chưa đồng đều. Mức độ phổ cập ứng dụng CNTT-TT ở nông thôn còn thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của tỉnh chưa thực sự đủ mạnh về nhân lực và năng lực để hòa nhập vào môi trường cạnh tranh. Số lượng điểm bưu điện văn hóa xã, đại lý Internet hoạt động chưa hiệu quả. Khoảng cách “số hóa” giữa nước ta với các nước đang phát triển còn lớn, nhất là khu vực nông thôn. Hình thức tìm kiếm, trao đổi thông tin qua Internet còn rất hạn chế. Điều này cho thấy mục tiêu ứng dụng CNTT-TT phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân còn là những vấn đề thách thức đặt ra.

 

Để khắc phục những hạn chế, ngành Thông tin truyền thông Thái Bình đang tiếp tục phát triển, gắn tin học hóa quản lý hành chính nhà nước với xây dựng Chính phủ điện tử, hành chính điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử. Gắn dịch vụ thông tin khoa học kỹ thuật, văn hóa, giải trí với thương mại điện tử và những yêu cầu thông tin thiết yếu của người dân. Thông qua các phương tiện, loại hình thông tin phù hợp, chất lượng tốt nhằm kịp thời đưa thông tin đến toàn bộ dân cư ở nông thôn được tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình mọi mặt trong nước và quốc tế, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi,… phục vụ sản xuất và đời sống. Ngành TTTT Thái Bình đang tiếp tục thực hiện tốt Đề án Mạng văn phòng điện tử liên thông, nhằm phục vụ tốt nhất cho cải cách hành chính. Phấn đấu năm 2013 này, tất cả các sở, ngành, UBND các huyện thành phố đưa mạng văn phòng điện tử liên thông vào sử dụng có hiệu quả. Xây dựng các nội dung thông tin kỹ thuật truyền trên mạng Internet phục vụ cho phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân, đào tạo, phổ biến kiến thức về CNTT-TT cho người dân nông thôn. Xây dựng, nhân rộng các mô hình mẫu về ứng dụng CNTT-TT phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân một cách phù hợp, chi phí thấp, thân thiện nhất với người dân. Đổi mới cách thức cung cấp thông tin theo hướng phục vụ khách hàng, chủ động tích cực đưa thông tin đến người dân thay vì họ phải tự tìm kiếm; trong xây dựng hệ thống thông tin phải đặc biệt chú ý đến việc xây dựng hạ tầng hiện đại, sẵn sàng cung cấp thông tin, độ bao phủ rộng.

 

Với hướng đi phù hợp, thân thiện, tin rằng lĩnh vực Thông tin và truyền thông sẽ đồng hành và trở thành điểm tựa tạo sức bật đưa Thái Bình nhanh chóng đạt lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Dương Lễ

(Sở TT-TT Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày