Thứ 2, 12/08/2024, 12:28[GMT+7]

Cựu chiến binh Tạ Quang Rinh: Người khởi xướng các mô hình kinh tế

Thứ 5, 08/09/2016 | 09:07:51
1,542 lượt xem
Không biết có phải do cái “chất” lính xây dựng Trường Sơn, Đoàn 559 hay không mà anh Rinh luôn là người đi đầu, khởi xướng các mô hình kinh tế mới ở địa phương - đó là nhận xét của ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Hồng (Tiền Hải) dành cho cựu chiến binh Tạ Quang Rinh.

Cựu chiến binh Tạ Quang Rinh cho cá ăn.

 

Sau 14 năm gắn bó với công việc lái xe của Đoàn 559, năm 1996, Tạ Quang Rinh xuất ngũ trở về địa phương. Rời xa những nẻo đường nam bắc, ông muốn tự tay xây dựng cho mình những cung đường mới - cung đường phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Sau nhiều năm khảo sát, tìm ngành nghề phù hợp, năm 2002, gia đình ông Rinh là hộ dân đầu tiên ở Nam Hồng được cấp phép lập bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông chia sẻ, nông thôn mình phát triển từng ngày, nhu cầu xây dựng đường xá, nhà cửa rất lớn, ngành xây dựng trong mười, mười lăm năm nữa tất có “đất sống”. Loay hoay với những khó khăn ban đầu, hoạt động kinh doanh của gia đình ông dần đi vào ổn định, tạo được uy tín và chỗ đứng trên thị trường, bảo đảm việc làm cho 10 lao động, chủ yếu là bộ đội xuất ngũ với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sôi nổi, rộng khắp, ông Rinh đã đầu tư mua thêm máy xúc, máy ủi, máy cẩu phục vụ làm đường, giao thông thủy lợi tại địa phương và các xã lân cận. Riêng gia đình ông, bằng máy móc, thiết bị, vật liệu sẵn có đã đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn ở khu dân cư trị giá 76 triệu đồng.

 

Khi việc kinh doanh bến bãi có dấu hiệu chững lại do cơ chế thị trường, nhiều đơn vị mới ra đời làm tăng sức cạnh tranh, ông quyết định mở thêm một con đường mới. Đầu năm 2016, ông thuê đấu lại khu vực đầm bãi ngoài đê xã Nam Hồng với diện tích 3ha, cải tạo để nuôi tôm thẻ, cá rô phi. Để có khu vực nuôi thủy sản theo mô hình công nghiệp đầu tiên tại khu vực ngoài đê, ông đã đầu tư đường điện dài hơn 1km, san lấp mặt bằng làm đường, thuê kỹ sư thiết kế các ao nuôi theo khoa học, cứng hóa bờ bao, mua sắm thiết bị… với tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Ông tâm sự: Làm cái ao, cái đầm để anh em, bạn bè có thêm việc làm. Các cháu đi bộ đội về hầu như đều không có việc làm. Mình cũng là lính, phải có trách nhiệm với nhau. Đầu tư cũng lớn nhưng nếu cứ do dự thì sao làm được.

 

Vụ nuôi trồng thủy sản đầu tiên, cựu chiến binh Tạ Quang Rinh vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kết quả thu được cũng chưa nói lên nhiều điều nhưng điều đáng nói là cái tâm, sự nhiệt huyết của người lính sẵn sàng làm việc, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, mở lối cho những con đường mới xây dựng đất nước, quê hương. Chỉ tay về phía những vuông ao còn đang ngổn ngang máy móc, ông Rinh mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài chứ không phải 5 năm như hiện nay để có thể yên tâm “ăn ngủ” với con cá, con tôm.

 

Đỗ Hà

(Đài TTTH Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày