Chủ nhật, 19/05/2024, 00:04[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 10

Thứ 5, 14/09/2017 | 10:39:07
767 lượt xem
Sáng ngày 14/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến họp với các địa phương để ứng phó với cơn bão số 10.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. 

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố đã báo cáo nhanh tới Phó Thủ tướng Chính phủ công tác chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 10; tình hình kêu gọi tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên sông, trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn; tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác chống úng bảo vệ lúa mùa và hoa màu; phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu và các công trình đang thi công…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và các địa phương trong công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 10. Đây là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống. 

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 gây ra, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, trên biển; chủ động chằng chống, bảo đảm an toàn nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, thiết bị ở bến cảng, ven sông, ven biển; duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão gây ra. 

Các tỉnh ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển vào nơi tránh trú an toàn; bố trí lực lượng, hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu bảo đảm an toàn với các tàu, thuyền đã về bến; chủ động việc cấm biển đối với tàu vận tải và tàu du lịch; tổ chức sơ tán nhân dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn. 

Các địa phương chủ động việc tiêu thoát nước đệm, bảo đảm an toàn cho diện tích lúa mùa và hoa màu chưa thu hoạch; kiểm tra, chỉ đạo và sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, đặc biệt đối với các trọng điểm đê xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn… phấn đấu giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

 Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày