Thứ 7, 18/05/2024, 23:25[GMT+7]

Giá trị sản xuất của các khu công nghiệp chiếm 44% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh

Thứ 3, 27/11/2018 | 17:04:52
4,089 lượt xem
Chiều ngày 27/11, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về các nội dung: giải quyết kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chỉ đạo thực hiện Thông tư số 08 và Thông tư số 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chỉ đạo thực hiện Thông tư số 08 và Thông tư số 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí: Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị và các huyện, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có 3 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu phế liệu với số lượng lớn. Để bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phù hợp theo quy định của Thông tư số 08 và Thông tư số 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất hai phương án, đó là tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu hoặc dừng hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu đến khi có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên cơ sở đăng ký, đề nghị của các doanh nghiệp theo Thông tư số 08 và Thông tư số 09; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc bảo đảm các quy định của Nhà nước về nhập khẩu phế liệu và kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường; trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, Sở Tài nguyên và Môi trường cần báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Về hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sau 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 1.411,2ha, trong đó quy hoạch chi tiết được phê duyệt 1.391,21ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 90% đất công nghiệp có thể cho thuê. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá, từ đó đóng góp tích cực vào tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn. 

Đến tháng 11/2018, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có 175 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 145 dự án đi vào sản xuất, tạo việc làm cho hơn 61.000 lao động; giá trị sản xuất các khu công nghiệp đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2017, chiếm khoảng 44% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 922,74 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2017, chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. 

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về bố cục, nội dung dự thảo báo cáo cũng như những đóng góp tích cực của các khu công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với báo cáo do Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng, đánh giá cao kết quả đạt được của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã hình thành nên mạng lưới các khu công nghiệp và tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh chỉnh sửa một số từ ngữ cho phù hợp, thống nhất một số tồn tại, hạn chế như: chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI lớn vào đầu tư; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa có sự thay đổi tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế; việc xử lý ô nhiễm môi trường chưa được triệt để. Đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là gắn kết chặt chẽ quy hoạch phát triển khu công nghiệp với Khu kinh tế Thái Bình trên cơ sở rà soát quy hoạch hiện có và rà soát quy hoạch của các huyện, thành phố; tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển khu kinh tế và các khu công nghiệp; tích cực hơn nữa trong việc xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại không gây ô nhiễm môi trường; quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; tích cực nghiên cứu cải tiến bộ máy quản lý, cơ cấu tổ chức nhằm đáp ứng với nhu cầu hiện nay.

Minh Hương - Khắc Duẩn









Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày