Thứ 7, 23/11/2024, 19:40[GMT+7]

Đò xưa bến cũ

Thứ 2, 11/05/2020 | 09:36:30
8,777 lượt xem
“Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại quan hà nhị bách niên” là hai câu thơ trong bài thơ “Lưu Gia Độ” của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (1240 - 1294), đại ý chỉ đất Thái Bình ghi trong bản đồ rộng vài ngàn dặm, đất ấy được coi là đất “Quan Hà” của nhà Lý đã hai trăm năm...

Dấu tích bến Lưu Gia bên dòng sông Luộc, địa phận làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà.

Thơ văn Lý Trần có rất nhiều bài thơ tả cảnh non nước hữu tình, nhưng bài thơ “Lưu Gia Độ” của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải viết ở bến Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) với lời thơ mộc mạc, sâu lắng, hàm chứa nhiều gợi ý về lịch sử, đặc biệt là bối cảnh lịch sử nhà Trần giai đoạn đất nước gian lao 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Nhờ những tứ thơ, câu thơ lắng đọng đó mà ngày nay “con cháu” có thể luận đoán giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, đặc biệt là những sự kiện tưởng chừng bị lãng quên lại hiện nguyên ngay trên đất quê hương.

Nguyên tác bài thơ “Lưu Gia Độ” được chạm khắc công phu trên bức đại tự “sơn son, thếp vàng” treo ở đền Lưu Xá như sau: “Lưu Gia Độ khẩu thụ tham thiên/Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền/Cửu tháp giang đình thu thủy thượng/Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền/Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại quan hà nhị bách niên/Thi khách trùng lai thấu phát bạch/Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”. Dịch nghĩa: “Lưu Gia xanh ngắt một trời cây/Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây/Tháp cũ, đình xưa làn nước chiếu/Đền hoang, mộ cổ dãy lân bày/Thái Bình ngàn dặm cơ đồ rộng/Lý đại hai trăm vận mệnh dài/Trở lại khách thơ đầu đã bạc/Trời thanh nước gợn ánh hoa mai”.

Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải làm quan trải hai đời vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Ông là nhà chính trị và quân sự tài ba của nhà Trần từng lập nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải không chỉ là tướng tài của nhà Trần mà ông cũng là một thi nhân. Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải sinh năm 1240, mất năm 1294, ông là con thứ 3 của vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Năm 1271, Trần Quang Khải được triều đình nhà Trần phong tướng quốc, Thái úy thống lĩnh mọi việc trong nước. Năm 1282, ông được phong Thượng tướng, Thái sư và với cương vị này, Trần Quang Khải luôn ở bên cạnh vua Trần Nhân Tông đặc biệt trong các cuộc rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long trước những đợt tấn công ồ ạt của quân Nguyên Mông vào nước ta. Ông đề thơ ở bến Lưu Gia: “Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền” cho hậu thế biết rằng lần “hỗ tụng” vua Trần Nhân Tông “đông hành” vào tháng Chạp năm Giáp Thân (dương lịch là năm 1285) nghĩa là rời kinh thành Thăng Long xuống thuyền đi về phía Đông (bến Lưu Gia), đây là cuộc rút lui chiến lược đem đến thắng lợi lần thứ 2. Theo các nguồn khảo luận, ngày 20 tháng Giêng năm Ất Dậu (1285) quân Nguyên Mông truy đuổi vua Trần về Thiên Trường theo đường sông Luộc vào cửa Hải Thị (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) giao chiến với quân ta, sau đó quân giặc tràn vào Long Hưng, đào bới Thái Dương Lăng (Tiến Đức, Hưng Hà) tìm bắt vua Trần nhưng không thấy vua đâu.

“Lưu Gia Độ” đã “hé lộ” cho hậu thế biết một vùng đất “Quan hà” của nhà Lý phong cảnh hữu tình, sản vật dồi dào, nhân dân no đủ, hiền hòa là địa danh lịch sử quan trọng dựng nghiệp triều nhà Lý. Với nhà Trần, sử cũ ghi: Trần Cảnh lên ngôi duệ hiệu Trần Thái Tông là con của Trần Thừa, là cháu nội Trần Lý và là cha của Trần Quang Khải. Việc Trần Quang Khải hộ giá vua Trần về bến Lưu Gia chính là đưa vua về quê nội của mình. Lúc ấy ở quê Lưu Xá quang cảnh được Thái sư mô tả “Cửu tháp giang đình thu thủy thượng/Hoang từ, cổ chủng, thạch lân bày”, nghĩa là làng quê Lưu Xá xưa là thực ấp của nhà họ Lưu, bởi từ thời nhà tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã ban thực ấp cho Thái bảo Lưu Ngữ (người châu Ái, Thanh Hóa) ở Lưu Xá, đến thời nhà Lý, Thái úy Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều (con Lưu Ngữ) có công phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sau lại dâng kế dời đô về Thăng Long. Khi Thái phó Lưu Khánh Đàm nghỉ trí sĩ về quê dựng chùa tu tập, lúc viên tịch đích thân vua Lý Thánh Tông ngự giá về dự tang lễ Thái phó Lưu Khánh Đàm, sắc chỉ ngôi chùa Thái phó tu là chùa “Báo Quốc”, cho xây cửu tháp cạnh lăng mộ ông. Dân làng Lưu Xá thờ Lưu Khánh Đàm là Thành hoàng làng. “Cửu tháp, giang đình... hoang từ, cổ chủng...” ý chỉ lăng mộ khai quốc công thần triều Lý... Lời thơ cũng là lời nhận định của triều thần nhà Trần, người có công lao lớn trong các cuộc kháng chiến vệ quốc mới có thể rút ra nhận xét như vậy được. Đất Quan hà ấy không những quan trọng với nhà Lý và rất quan trọng với nhà Trần. Lời thơ khẳng định Lưu Xá (rộng hơn là đất Thái Bình) là đất hưng nghiệp, phát tích của nhà Trần. Đất Lưu Xá thuộc Hải Ấp, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng là một vùng tinh cương (nhiều gò đống cao). Nhà Trần quen nghề chài lưới từ Tức Mặc (Nam Định) trên đường mưu sinh đã chọn Lưu Xá làm chỗ đứng chân. Như có duyên nợ từ trước, họ Trần chỉ ở một đời bên Tức Mặc, rồi chuyển hẳn sang đất Lưu Xá dựng nghiệp, đặt mộ tổ ở Tam Đường (Tiến Đức). Lưu Xá, mảnh đất “ven bờ cuối bãi” đã dung dưỡng Trần Thủ Độ một tướng tài triều Lý và là trụ cột nhà Trần. Lịch sử ghi công ông là “công thần khai quốc”. Sử chép: “Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là công sức của Thủ Độ cả cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”. Trên đồi Lim thuộc huyện Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh, quê hương của Lý Bát đế) có một ngôi đền thờ Trần Thủ Độ, trong đền có câu đối ca ngợi ông: “Công đào vu kim, bất đãn Trần gia nhị bách tải/Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu”. Tạm dịch là: “Công đức của ông để mãi đến ngày nay, chẳng những chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần/Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đằng liệt vào bậc thứ nhất trời Nam”.

Trong dân gian còn lưu truyền thiên tình sử của Trần Thủ Độ, truyền ngôn rằng thuở đó ông có yêu người con gái nhà Trần Lý tên là Trần Thị Dung. Khi Hoàng Thái tử Sảm (Lý Huệ Tông) chạy loạn Quách Bốc dạt về đất Lưu Gia đem lòng yêu Trần Thị Dung vốn giỏi tầm tang, canh cửi, đẹp người, đẹp nết. Nhà Trần Lý ưng thuận, Trần Thủ Độ chỉ còn cách “cầm lòng” để người mình yêu gắn kết thân phận làm dâu họ Lý. Với bản lĩnh phi phàm, Trần Thủ Độ đã cùng những người con ưu tú của dòng họ Trần tích cực tham gia các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ, khôi phục địa vị nhà Lý. Hết loạn, Hoàng Thái tử Sảm lên ngôi Hoàng Đế, xưng Lý Huệ Tông lập Trần Thị làm Hoàng hậu. Năm 1224, Trần Thủ Độ được vua Lý phong chức “Điện tiền chỉ huy sứ”. Sau Lý Huệ Tông “bỏ ngôi” đi tu, nhường lại quyền uy cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ với mưu lược tài tình nhìn xa về vận mệnh xã tắc đã sắp đặt cho Trần Cảnh là cháu ruột lấy Lý Chiêu Hoàng. “Kịch bản” thành công đúng lúc Lý Huệ Tông băng hà, Lý Chiêu Hoàng không thể đảm đương ngôi báu trị vì đất nước đã nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng Chạp năm Ất Dậu (1226). Trong “Chiếu nhường ngôi” Lý Chiêu Hoàng than thở: “Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không có người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng nề”. Hoàng đế Trần Thái Tông (Trần Cảnh) phong Trần Thủ Độ là Quốc Thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị thiên hạ.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh


Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải viết bài thơ “Lưu Gia độ” với hàm ý ca ngợi vùng đất Lưu Xá (phủ Thái Bình) rộng lớn có từ thời nhà Lý cách thời điểm Thái sư về thăm Lưu Xá khoảng 200 năm, nghĩa là vùng đất này có tầm quan trọng đặc biệt với quốc gia Đại Việt thời bấy giờ.

Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Canh Tân, huyện Hưng Hà

Các cụ họ tộc Nguyễn ở Đào Thành (từ làng Lưu Xá di cư nội địa đến Đào Thành) căn dặn con cháu trong dòng tộc rằng: Trai (gái) họ Nguyễn không được lấy trai (gái) họ Trịnh ở làng Lưu Xá và ngược lại, điều cấm kỵ này có từ lâu đời cho đến nay vẫn không có lời giải, tồn nghi dòng tộc Nguyễn và Trịnh ở Lưu Xá và Đào Thành vốn gốc là họ Lưu do nhiều nguyên nhân sâu xa mà đổi thành.

Ông Trần Văn Tươi, thủ từ đền Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà

Theo ngọc phả đền Lưu Xá, Lưu Ngữ là công thần mở vương triều nhà Lý. Lưu Ngữ theo Lê Hoàn giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân sau lại phù Lê Hoàn đánh quân Hầu Nhân Bảo ở Ải Chi Lăng được ban lộc điền ở huyện Ngự Thiên, phủ Thái Bình. Cụ đưa vợ và thân thích từ quê Hưng Hóa ra lập nên ấp Lưu Xá.


Quang Viện