Thứ 5, 21/11/2024, 23:47[GMT+7]

Mẹ đỡ đầu - khúc vĩ thanh tình yêu con trẻ Kỳ 1: “Mồ côi tội lắm ai ơi...”

Thứ 4, 26/10/2022 | 22:06:05
7,441 lượt xem
Với những trẻ em kém may mắn, nhất là những em mồ côi thì sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần là rất lớn. Nếu không có điểm tựa vững chắc, tương lai các em sẽ đi về đâu? Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã trao cơ hội cho nhiều trẻ em mồ côi viết tiếp ước mơ của mình. Tại Thái Bình, chương trình đã lan tỏa thông điệp nhân văn với nhiều việc làm ý nghĩa của hội viên, phụ nữ nói riêng, cộng đồng nói chung đối với trẻ em mồ côi.

Em Phạm Văn Đạt, thôn Năm, xã Đông Quang (Đông Hưng) và ông ngoại.

Mỗi trẻ mồ côi được hỗ trợ bởi các cấp hội phụ nữ trong tỉnh theo chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung của các em là thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ và một gia đình đúng nghĩa. “Ai ơi thương kẻ mồ côi/Như bèo mặt nước, biết trôi bến nào”.

Nhắc tới hoàn cảnh của em Phạm Văn Đạt, thôn Năm, xã Đông Quang (Đông Hưng), ai cũng bùi ngùi, xót xa. Năm nay 11 tuổi nhưng Đạt có nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Bố mất từ khi em vừa tròn 1 tuổi. Tuổi thơ của em lớn lên trong khó khăn khi cùng mẹ mò cua, bắt ốc, bươn chải mưu sinh trên những khúc sông quanh xã. Đầu tháng 6/2022, mẹ em được phát hiện tử vong ở đoạn sông gần nhà. Thương cháu còn nhỏ đã mồ côi cả bố mẹ, sống lủi thủi trong ngôi nhà đã xuống cấp, ông bà ngoại đón Đạt về chăm sóc. Thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ, lại sớm lỡ dở con đường tới trường nên tương lai của em cũng chông chênh, mịt mờ. Dù không được tới trường như chúng bạn nhưng cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt trải qua đã rèn dũa em trở thành cậu bé nhanh nhẹn và hiểu chuyện. Đạt tâm sự: Em mà được đi học thì giờ em học lớp 7 rồi. Em chỉ muốn được đi học, dù muộn nhưng em sẽ cố gắng để học nghề. Sau này có việc làm ổn định để phụng dưỡng ông bà, xây lại ngôi nhà mới...

Em Phạm Tấn Phước, thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương) và bà nội.

“Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” nhưng em Phạm Tấn Phước, thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương) hơn 5 năm năm nay lại phải nương tựa vào ông bà nội già yếu. Chăm em từ lúc mới lọt lòng, bà Đỗ Thị Sen, bà nội của Phước nghẹn ngào: Do hôn nhân không hạnh phúc nên sinh cháu Phước được vài tháng thì mẹ cháu bỏ đi. Đến năm cháu học lớp 3 thì bố cháu không may gặp tai nạn qua đời, mẹ cháu cũng không đoái hoài gì. Vợ chồng tôi vừa là ông bà vừa là bố mẹ nuôi cháu. Các cô của cháu hoàn cảnh cũng khó khăn nên không đỡ đần được. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cũng cố động viên nhau làm lụng để lo cho cháu ăn học bằng bạn bè.

Gánh nặng cuộc sống sớm đè lên đôi vai bé nhỏ của Phước nhưng có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn tính cách của em trở nên mạnh mẽ, rắn rỏi hơn để làm chỗ dựa tinh thần cho ông bà. Em luôn đạt thành tích cao trong học tập, luôn được các thầy cô giáo và bạn bè yêu quý. Theo em, lý do duy nhất để em cố gắng là vì ông bà, ông bà nghĩ đến em để sống vui, sống khỏe, ông bà sống lâu. Quyết tâm của em thể hiện rõ trong ánh mắt và giọng nói dứt khoát. Em cho rằng, trong cuộc sống luôn phải có thái độ tích cực, cố gắng hết sức để đạt được những gì mình mong muốn và giữ vững niềm tin ấy cho đến cùng. Những khó khăn đôi khi sẽ góp phần tôi luyện bản thân mạnh mẽ hơn.

Em Bùi Tú Hạnh, thôn Nguyễn Du, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình đỡ đầu.

“Mẹ ơi” có lẽ là tiếng gọi thiêng liêng nhất, thân thương và ngọt ngào nhất trong cuộc đời mỗi người. Điều hạnh phúc nhất là có mẹ ở bên, được yêu thương, được chở che và được tỉ tê tâm sự. Đối với các em nhỏ có hoàn cảnh không được trọn vẹn, hai tiếng “Mẹ ơi” lại càng trở nên kỳ diệu và đáng trân trọng hơn bao giờ hết. 

Bà Nguyễn Thị Thoa, bà ngoại em Bùi Tú Hạnh, thôn Nguyễn Du, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) ngậm ngùi: Mẹ của Hạnh bị lừa bán sang Trung Quốc năm 14 tuổi, ít lâu sau trốn thoát được về Việt Nam. Sau đó lấy chồng rồi sinh Hạnh. Nhưng mẹ của Hạnh bị bệnh hiểm nghèo đã mất khi cháu mới 5 tuổi. Có những lúc nhớ mẹ nên cháu cứ đòi tôi phải tìm mẹ về cho. Xót xa lắm, nhất là khi cháu ốm, ngủ mơ đòi mẹ, thức dậy đòi mẹ. Tôi trả lời bây giờ mẹ con đã mất rồi thì bà làm sao mà tìm được mẹ cho con nữa. Rồi bà cháu ôm nhau khóc...

Mồ côi cha mẹ, nhiều em như em Đạt, em Phước, em Hạnh chưa biết tương lai của mình sẽ ra sao khi gia đình mất đi người trụ cột, bà con thân thích cũng có hoàn cảnh khó khăn. Nỗi đau mất cha mẹ luôn là vết thương lòng không dễ gì lành được đối với các em, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý, thể chất, khiến con đường đi tới tương lai của các em trở nên gập ghềnh, chông gai hơn. Và hơn hết, ở mỗi đứa trẻ đó là khát khao có được một gia đình, có được sự yêu thương, vỗ về của cha mẹ. Do vậy, hơn lúc nào hết, các em rất cần sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc của cộng đồng, xã hội để vượt qua, tiếp tục sống và trưởng thành. Mọi sự giúp đỡ, động viên lúc này có rất nhiều ý nghĩa, giúp các em vững tin để bước về phía trước.

Chị Vũ Thị Thảo, hội viên phụ nữ thôn Cộng Hòa, xã Đông Quang (Đông Hưng) chia sẻ: Mỗi khi nghe một câu chuyện, xem một phóng sự về hoàn cảnh trẻ mồ côi, tôi không kìm được cảm xúc và nước mắt. Có những cháu còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau mất người thân. Những đứa trẻ lớn hơn đã hiểu chuyện lại có tâm trạng mặc cảm, tự ti... vì phải đối mặt với nhiều thử thách do khủng hoảng tâm lý... Dù mất người thân trong hoàn cảnh nào thì đó cũng là mất mát lớn, chỉ có thời gian và tình thương mới mong có thể khỏa lấp. Tôi cũng như nhiều chị em khác muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để các cháu bớt tủi thân, có điều kiện vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Nguyện vọng của chị Thảo và nhiều chị em khác như được cổ vũ, lan tỏa khi cuối năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm huy động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ trẻ mồ côi, trước mắt là trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Theo đó, có hai hình thức: đỡ đầu trực tiếp - tập thể, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà hoặc đến chăm sóc tại nơi trẻ sinh sống; đỡ đầu gián tiếp - nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc thông qua tổ chức hội phụ nữ tại địa phương hoặc người nuôi dưỡng thay thế.

(còn nữa)
Xuân Phương