Thứ 7, 26/04/2025, 09:32[GMT+7]

Hành cung Lỗ Giang- Bí ẩn cung điện nhà Trần

Thứ 4, 03/02/2016 | 16:45:03
8,986 lượt xem
Qua 2 đợt khai quật khảo cổ học, cung Lỗ Giang - một trong những hành cung lớn được nhà Trần cho xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay, đã dần được hé lộ. Đây không chỉ là mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là một tổ hợp ít nhất ba công trình, kết nối với nhau trong một chỉnh thể có quy mô và sự nguy nga, tráng lệ được xây dựng công phu mang tính chất cung điện hoàng gia.

Mặc dù là một hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa Long Hưng (Thái Bình) - Tức Mặc (Nam Định) và Thăng Long (Hà Nội), nhưng trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, vị trí của hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo và quy mô của nó như thế nào, từ lâu vẫn là một bí ẩn.

Tháng 11/2014, đợt khai quật khảo cổ học đầu tiên di tích hành cung Lỗ Giang được Trung tâm Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức. Qua đó, khu vực đền Trần (Thái Lăng) xã Hồng Minh (Hưng Hà) hiện nay được xác định chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã nhận định: Hành cung Lỗ Giang được ra đời vào thời điểm rất đặc biệt, sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba. Khi ấy, vua tôi Trần Nhân Tông về tế tổ ở đất phát tích Thái Bình và bước vào thời kỳ phục hưng đất nước, phục hồi kinh tế. Với ý nghĩa to lớn ấy, hành cung Lỗ Giang được xây dựng với quy mô lớn.

Với mục đích xác định rõ diện mạo của hành cung Lỗ Giang xưa, đồng thời có những nghiên cứu, đánh giá xứng tầm giá trị lịch sử, năm 2015, đợt khai quật khảo cổ học lần thứ hai với diện tích 600m2 được tiến hành.

Vị trí địa lý

Hành cung Lỗ Giang xưa, nay là khu vực đền Trần (Thái Lăng) thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Đền nằm ở hữu ngạn ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, ở chính giữa vùng đất Long Hưng (Thái Bình) và Tức Mặc (Nam Định), cách khu lăng tẩm nhà Trần ở làng Tam Đường khoảng 6km về phía Đông.

Xung quanh khu vực đền hiện còn lưu truyền nhiều địa danh gắn với một thời quá khứ của vùng đất này như bến Phạm Lỗ, cánh đồng Phủ, Càn Thiên Mã, Cầu Rồng,... Trong đó, có những địa danh liên quan đến lăng tẩm của các vua Trần như xóm Lăng, Giếng Lăng, Lăng sa trong, Lăng sa ngoài, Lăng Ngói. Những địa danh này gợi lại những dấu ấn của một hành cung xưa gắn liền với lịch sử của nhà Trần trên mảnh đất Hồng Minh ngày nay.

Ngoại trừ khu vực Lăng sa ngoài có vị trí ở ngoài đê, do nhiều năm phù sa sông Hồng bồi lấp nên bề mặt không tìm thấy di vật, các địa danh còn lại đều tìm thấy rất nhiều vật liệu kiến trúc, đồ sành, đồ gốm sứ của nhà Trần.

Kết quả khai quật

Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu kinh thành bước đầu đã phát hiện được một phần nền móng các công trình kiến trúc gỗ của nhà Trần, khi xây dựng hành cung Lỗ Giang vào thế kỷ XIII - XIV. Đồng thời, cũng đã xác định: phần mái lợp ngói mũi sen có quy mô lớn, được trang trí công phu, đẹp và tráng lệ, giống như kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long.

Trong khi kết quả cuộc khai quật khảo cổ học lần thứ nhất chỉ xác định được dấu tích của kiến trúc cung điện thì đến lần khai quật thứ hai vào năm 2015 đã lần đầu tiên làm sáng rõ, đây không chỉ là mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là tổ hợp ít nhất gồm ba công trình kết nối với nhau trong một chỉnh thể.

Không chỉ vậy, những di vật khai quật được trong lần thứ hai cũng phong phú hơn về số lượng và đa dạng về loại hình. Có thể kể đến, như vật liệu kiến trúc là loại di vật thu được với số lượng nhiều nhất, chủ yếu có niên đại thời Trần thế kỷ XIII - XIV, thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII - XVIII và một số vật liệu kiến trúc thời Nguyễn.

Tìm hiểu những di vật thời Trần khai quật được, các nhà khoa học nhận thấy: Đã có sự tính toán rất kỹ lưỡng về mặt vật liệu trước khi xây dựng công trình.

Lẫn trong vật liệu thời Trần ở khoảng sân phía Đông và Tây của hành cung Lỗ Giang là khá nhiều vật liệu kiến trúc thời Lê Trung hưng. Từ đó, có thể suy đoán rằng, vào thời Lê Trung hưng, tại địa điểm này cũng đã tồn tại rất nhiều công trình kiến trúc.

Qua kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học, hành cung Lỗ Giang có quá trình phát triển liên tục, không đứt đoạn và được kế thừa, phát triển qua các triều đại phong kiến.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tiếp tục khai quật mở rộng tại khu di tích hành cung Lỗ Giang với diện tích 800m2. Đây là cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà

Hưng Hà hiện có 37 di tích nhà Trần, trong đó có 5 di tích quốc gia và 1 di tích quốc gia đặc biệt. Với những kết quả khai quật, hành cung Lỗ Giang đã mở ra thêm những luận cứ khoa học về lĩnh vực khảo cổ. Chúng tôi thấy rất tự hào bởi đã có thêm những tư liệu khoa học để khẳng định đây là nơi phát tích và dựng nghiệp của vương triều Trần. Có lẽ khi giai đoạn khai quật khảo cổ học lần thứ ba hoàn thành thì sẽ có được khá đầy đủ các cứ liệu khoa học để hoàn tất hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hành cung Lỗ Giang là di tích khảo cổ quốc gia.

Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Qua hai đợt khai quật, trung tâm nghiên cứu kinh thành đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tìm ra những dấu tích, phạm vi phân bố, quy mô kiến trúc của hành cung thời Trần. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành tạo mọi điều kiện để việc khai quật được mở rộng về các phía, lấy đền Trần (Thái Lăng) làm trung tâm. Từ đó chắc chắn sẽ có thêm những tư liệu mới để khẳng định rõ ràng hơn về quy mô của cung điện thời Trần trên đất Thái Bình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành

Phát hiện khảo cổ học năm 2015 chứng minh hành cung Lỗ Giang tồn tại trong một giai đoạn dài, từ thế kỷ XIII sang thế kỷ XIV và nhiều lần được trùng tu, xây dựng. Quần thể kiến trúc ở nơi đây không chỉ rất độc đáo mà còn có quy mô rộng lớn. Đây không chỉ là hành cung nơi vua nghỉ ngơi mỗi lần đi vi hành mà còn là nơi trở về cội nguồn. Về góc độ khoa học, các dấu tích cung điện tại đây có thể so sánh với các cung điện tại Hoàng thành Thăng Long. Những dấu ấn vương quyền và những vẻ đẹp của hoàng cung hiện hữu rất rõ ràng ở hành cung Lỗ Giang.

Anh Tú

  • Từ khóa