Thứ 5, 21/11/2024, 20:36[GMT+7]

Báo động tai nạn lao động khu vực phi chính thức

Thứ 5, 06/06/2024 | 21:13:09
7,483 lượt xem
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ mất an toàn lao động tại khu vực phi chính thức.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại một công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Chưa đầy 1 tuần lễ trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2024, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 30/5, tại công trình xây dựng nhà ở của gia đình anh P.K.T tại xã Hồng Lý (Vũ Thư) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, nhóm thợ xây dựng gồm 3 người đang trát trên mái tầng 2 của công trình thì bất ngờ giàn giáo bị sập khiến ông P.X.C tử vong; 2 ông V.M.C và L.V.B bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Chỉ sau đó ít ngày, một nhóm thợ đang thi công tháo dỡ, lắp đặt mái tôn cho một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) thì bất ngờ xảy ra tai nạn lao động khiến anh Đ.C.B, sinh năm 1978, trú tại xã Vũ Đoài (Vũ Thư) tử vong và 1 người khác bị thương nhẹ. Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2024, trên địa bàn phường Tiền Phong và xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) cũng xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ khiến 2 người tử vong. 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn lao động làm 17 người thương vong, trong đó chết 8 người, bị thương 9 người, chủ yếu trong khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (khu vực phi chính thức). Chỉ ra nguyên nhân mất an toàn lao động, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức rất rộng, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau, ở mỗi vị trí công việc tiềm ẩn những nguy cơ có thể gây ra tai nạn lao động khác nhau. Người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực này hầu hết chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; người lao động không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc thiếu quy trình, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro khi làm việc. Người sử dụng lao động chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa chú trọng đến kiểm soát yếu tố nguy hiểm đối với người lao động tại nơi làm việc. Công tác phối hợp quản lý ATVSLĐ tại địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều hạn chế; chưa có nhiều biện pháp hiệu quả và nguồn lực đầu tư cho tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực này. 

Nhằm kiểm soát và hạn chế tình hình tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức, nhất là tai nạn trong thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị liên quan chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trên địa bàn; tăng cường bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình và quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và quản lý trật tự xây dựng trong thi công xây dựng; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp cùng các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động; hướng dẫn kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Để hạn chế tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức, người sử dụng lao động phải có kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ để kiểm soát tình hình và nhận biết các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; tuyên truyền, huấn luyện biện pháp làm việc an toàn cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; phân công người giám sát; không sử dụng các loại máy, thiết bị tự chế, không bảo đảm an toàn để vận chuyển hàng hóa, vật liệu. Ngoài ra, các cấp chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của tỉnh về các nội dung liên quan đến an toàn lao động trong các lĩnh vực, nhất là khu vực phi chính thức; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp dừng thi công đối với những công trình, nơi sản xuất mà ở đó có các yếu tố nguy hiểm, có hại có thể gây tai nạn lao động chưa được kiểm soát.

Đỗ Hồng Anh