Thứ 4, 08/05/2024, 05:46[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 Bùi Hữu Diên - Chiến sĩ cộng sản kiên trung

Thứ 2, 17/08/2015 | 09:02:32
6,137 lượt xem
Bùi Hữu Diên sinh năm 1903 tại thôn Chỉ Bồ (nay thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy). Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm năm 1925, Bùi Hữu Diên về thụ giáo tại thôn Hậu Trung (nay thuộc huyện Đông Hưng). Năm 1926, thầy Diên làm Tổng sư tại Tổng Vị Sĩ (nay thuộc huyện Đông Hưng). Cuối năm 1926, ông cùng một số giáo viên tâm huyết như Nguyễn Văn Năng, Lương Duyên Hồi, Lương Duyên Thiếp, Đào Gia Lựu mở Trường tư thục Minh Thành tại thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình).

Ngôi trường mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung Bùi Hữu Diên ở xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà. Ảnh: Thành Tâm.

 

Mở Trường tư thục Minh Thành, các ông nhằm tới 2 mục đích: Thứ nhất là dạy chữ, mở mang dân trí. Thứ hai, tạo được yếu tố công khai, hợp pháp thông qua hình thức giáo dục, giáo dưỡng để giác ngộ cách mạng cho thầy và trò, tiến tới tổ chức ra Chi bộ Thanh niên và các đoàn thể yêu nước... Đầu năm 1927, thầy Bùi Hữu Diên là 1 trong 11 hội viên đầu tiên của Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thị xã Thái Bình. Cuối năm 1927, mặc dù lúc này đang dạy học và gây dựng cơ sở cách mạng ở 2 huyện Tiên Hưng và Duyên Hà nhưng khi Chi bộ Thanh niên Trường tư thục Minh Thành được thành lập, ông vẫn là 1 trong 10 hội viên chính thức của Trường. Vừa là giáo viên Trường tư thục Minh Thành, vừa dạy học tại 2 huyện Tiên Hưng và Duyên Hà nên khi 2 huyện này thành lập Liên Chi bộ Thanh niên (gồm 9 đồng chí), thầy giáo Bùi Hữu Diên được giao trọng trách Bí thư. Năm 1928, Đại hội đại biểu Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tỉnh Thái Bình được bí mật cử hành, thầy giáo Bùi Hữu Diên là 1 trong 7 Tỉnh bộ viên đầu tiên của Ban Tỉnh bộ Thái Bình (sau đó bổ sung 2, như vậy Ban Tỉnh bộ có 9 thành viên).

 

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, Kỳ bộ Bắc Kỳ xác nhận đây là Ban Tỉnh ủy của Đảng bộ Thái Bình. Như vậy, đồng chí Bùi Hữu Diên trở thành 1 trong 9 Tỉnh ủy viên đầu tiên của Thái Bình và là người dày công gây dựng, lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh từ trước, trong và sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930...

 

Cuối năm 1927, đồng chí Bùi Hữu Diên về tìm cách giác ngộ cách mạng cho một số thanh niên, học sinh thôn Chỉ Bồ quê nhà và các làng biển huyện Thụy Anh. Đầu năm 1928, tổ chức Thanh niên đã hình thành tại địa phương, trong đó thầy giáo Nhạo, thầy giáo Lô được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Để tiện cho việc chỉ đạo phong trào, nhà ông Bùi Hữu Thăng (anh ruột đồng chí Bùi Hữu Diên) được chọn làm cơ sở liên lạc của Tỉnh bộ tại Thụy Anh. Do nhiệt tình hoạt động của các hạt nhân, chỉ thời gian ngắn sau, năm 1928 tại các làng biển huyện Thụy Anh đã có 5 chi bộ nhỏ được hình thành, gồm: Chi bộ thôn Chỉ Bồ có 7 hội viên, Chi bộ thôn Tri Chỉ có 6 hội viên, Chi bộ thôn Kha Lý có 5 hội viên, Chi bộ thôn Tu Trình có 6 hội viên, Chi bộ thôn Quang Lang có 5 hội viên.

 

Vốn là một nhà giáo trẻ mẫn cảm, thông minh, nhiệt huyết, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1926 đến giữa năm 1929, vượt qua bao nỗi ngặt nghèo của hoàn cảnh phải tuyệt mật, đồng chí Bùi Hữu Diên đã có công rất lớn trong việc gây dựng cơ sở cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin tại Trường tư thục Minh Thành, 2 huyện Tiên Hưng - Duyên Hà và các làng biển huyện Thụy Anh... Nhiều thanh niên nhiệt huyết đã được đồng chí đào luyện và kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội như Vũ Khế, Bùi Hồng Nghĩa, Nguyễn Hữu, Phạm Nghinh... (Thụy Anh), Trương Đăng Thiệp, Đỗ Gia Tuấn, Bùi Văn Mộng... (Tiên Hưng, Duyên Hà)...

 

Khi phong trào cách mạng đang bùng lên mạnh mẽ tại đất Thái Bình, bọn thống trị và tay sai đã đánh hơi nhận ra vai trò thủ lĩnh của đồng chí Bùi Hữu Diên. Mùa hè năm 1929, chúng vội vã đưa ông lên Chợ Đồn (Bắc Kạn) dạy học. Đây thực chất là thủ đoạn quản thúc có chủ ý chính trị thâm độc. Bùi Hữu Diên bắt buộc phải ly hương nhưng những hạt giống cách mạng do ông trực tiếp ươm mầm đã sinh chồi nảy lộc trên xứ thuần nông Thái Bình. Những học trò, những đồng chí của Bùi Hữu Diên đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân Tiên Hưng, Duyên Hà ngày 1/5/1930 lịch sử. Sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp, chỉ mấy ngày sau, mặc dù đang dạy học tại Bắc Kạn, đồng chí Bùi Hữu Diên cũng bị bắt về tội “liên quan” đến cuộc biểu tình.

 

Bùi Hữu Diên cùng một số đồng chí của ông bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo. Năm 1932, ông bị chúng đưa đi đày biệt xứ tại Guyane (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ).

 

Tại Nam Mỹ, đồng chí Bùi Hữu Diên nhanh chóng được hàng nghìn tù nhân suy tôn là lá cờ đầu trong Ban lãnh đạo nhà tù Guyane. Với tư cách một nhà giáo, một chiến sĩ cộng sản sinh ra trên quê lúa Thái Bình, đồng chí Bùi Hữu Diên cùng Ban lãnh đạo nhà tù kín đáo xuất bản Báo Nhân Hòa nhằm giáo dục tinh thần đoàn kết, cưu mang nhau trong hoàn cảnh xa Tổ quốc... Sẵn tố chất đấu tranh chống đế quốc cường quyền, đồng chí Bùi Hữu Diên đã tích cực gây dựng được nhiều tổ chức trong hàng ngũ tù nhân nhằm đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, đòi tự do thân thể, đòi quyền sống tối thiểu của con người. Cuối năm 1934, đồng chí Bùi Hữu Diên mắc bệnh lao phổi do chế độ man rợ của nhà tù Pháp tại Guyane. Sức khỏe giảm sút song đồng chí vẫn một lòng, một dạ tin tưởng vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng Việt Namon>.

 

Ngày 25/1/1935, đồng chí Bùi Hữu Diên đã trút hơi thở cuối cùng tại Guyane khi mới 32 tuổi.

 

Bùi Hữu Diên ngã xuống nhưng đồng chí đã để lại tấm gương một nhà giáo, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết lòng chiến đấu cho đại sự đánh đuổi thực dân, giải phóng quê hương, đất nước.

 

Hoàng Ngọc Khuyến

(Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa