Chủ nhật, 28/07/2024, 15:21[GMT+7]

Bình Thanh Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại, gia trại

Thứ 4, 11/09/2013 | 09:45:22
3,813 lượt xem
Bình Thanh (Kiến Xương) là xã thuần nông, có nhiều diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Sau khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng sản xuất, nhiều hộ gia đình đã phát triển mô hình trang trại, gia trại nuôi trồng cây, con cho hiệu quả kinh tế cao và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Trang trại nuôi thả thủy sản của anh Vũ Thanh Vân, xã Bình Thanh (Kiến Xương).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 305 ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích đất bãi ven sông Hồng thường hay bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lũ, mỗi năm người dân chỉ cấy được một vụ lúa nhưng năng suất chỉ đạt 50% so với diện tích nội đồng. Năm 2005, Đảng ủy, UBND xã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình trang trại, gia trại.

Hiện, toàn xã chuyển đổi trên 70 ha, với 82 hộ tham gia, trong đó 8 mô hình được công nhận là trang trại, còn lại là gia trại. Các hộ đã tổ chức chuyển đổi sang nuôi thả thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây. Trong diện tích chuyển đổi, một số hộ đã tiếp thu vật nuôi và cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như: cá chép giòn, cá chim, cá rô phi đơn tính…; cây cảnh, cây keo, hòe, thanh long ruột đỏ…

Dẫn chúng tôi đến thăm trang trại của anh Vũ Thanh Vân, thôn Đa Cốc, ông Lê Văn Hoành, Tổ trưởng tổ tự quản vùng chuyển đổi cho biết: Đây là một trong những trang trại quy mô nhất của vùng chuyển đổi với diện tích 14 ha. Hiện tại, gia đình anh Vân có 10 ao đang nuôi thả cá với diện tích mặt nước gần 7 ha, mỗi năm thu hoạch 2 lứa, xuất ra thị trường trên 50 tấn cá thương phẩm.

Trên bờ anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trên 8.000 con ngan, gà, vịt;  kết hợp trồng 2.000 cây keo lấy gỗ, hàng trăm cây sanh với mục đích tạo cảnh quan và kinh doanh, hàng nghìn cây chuối, cỏ voi làm thức ăn cho cá… Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, có những thời điểm vào mùa thu hoạch rộ số lượng người làm lên tới gần 30 người. Ước tính mỗi năm thu nhập từ mô hình chuyển đổi đạt trên 2 tỷ đồng. Anh Vân cho biết: Bản thân anh không phải là dân địa phương, có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Thanh Nê, nhưng khi hay tin xã Bình Thanh có chủ trương chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình trang trại, gia trại, anh đã huy động vốn của gia đình và vay mượn từ các nguồn về đây xây dựng trang trại. Đến thời điểm hiện tại, trang trại đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Kế sát bên trang trại của anh Vân là trang trại rộng gần 5 ha của anh Đỗ Văn Dụ (thôn Khả Phú). Anh cho biết: Ngay sau khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi, anh huy động nguồn vốn tự có và thế chấp tài sản vay ngân hàng,  đầu tư hơn 1 tỷ đồng đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại. Với 4 ao có tổng diện tích mặt nước trên 7 mẫu, anh nuôi thả các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè… Trang trại còn thường xuyên nuôi trên 30 con lợn nái, 500 con vịt, trên 200 con gà, kết hợp trồng cây cảnh, chuối, hòe…

Đặc biệt nhận thấy giống cây thanh long ruột đỏ dễ chăm bón và sinh trưởng tốt, nhiều nơi đã trồng và cho hiệu quả cao, cuối năm 2012 anh mạnh dạn đưa vào trồng tại trang trại 2.000 cây, dự tính năm 2014 sẽ cho thu hoạch. Hiện nay trang trại của anh tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập mỗi năm từ trồng trọt và chăn nuôi, chưa trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng.

Với diện tích chuyển đổi hơn 2 ha, không kết hợp chăn nuôi với trồng trọt như các hộ khác trong vùng, gia trại của anh Đỗ Văn Cải (thôn Đa Cốc) tập trung nuôi thả các loại cá giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện trang trại nuôi 700 con vịt đẻ, 500 vịt thịt, 200 con gà, hơn 10 con lợn nội. Hàng năm thu nhập từ việc bán cá giống và lợn, gà, vịt thương phẩm, trừ chi phí thu lãi gần 50 triệu đồng.

Theo ông Lê Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh: Hầu hết các hộ gia đình đăng ký chuyển đổi đều phát triển mô hình trang trại, gia trại và đạt được những hiệu quả nhất định. Trong quá trình chăn nuôi, người dân vẫn gặp phải những khó khăn chung như thiếu vốn, dịch bệnh, đầu ra sản phẩm và giá cả thị trường bếp bênh, nhưng dù ở thời điểm nào các hộ chăn nuôi vẫn có mức thu nhập cao hơn so với cấy lúa.

Thu nhập bình quân từ vùng chuyển đổi đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Đáng chú ý là các trang trại, gia trại đều khá xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, đó cũng là điều kiện thuận lợi để kiểm soát vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh. Đạt được những kết quả đó là do trong thời gian qua xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng và chữa bệnh cũng như giới thiệu cho bà con các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao.

Cụ thể, UBND xã kết hợp với Trường Trung cấp Thủy sản Bắc Ninh mở 2 lớp đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị  kiến thức về chăn nuôi, nuôi thả thủy sản cho người dân, đã cấp chứng chỉ cho hơn 200 lượt hội viên tham gia khóa học.

Vẫn theo ông Quang, để phát huy hơn nữa hiệu quả từ phát triển mô hình trang trại, gia trại trong vùng chuyển đổi, UBND xã khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

  • Từ khóa