Thứ 6, 22/11/2024, 11:43[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ 2, 25/05/2020 | 17:16:39
3,604 lượt xem
Sáng ngày 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe và thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận (Ảnh: Văn Tùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hòa giải viên vi phạm bảo mật thông tin gây hậu quả, thiệt hại cho bên trình bày. Đại biểu cũng đồng tình Luật cần quy định việc thu phí đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm hạn chế các khoản chi phát sinh từ ngân sách. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định rõ mức thu cho phù hợp. Việc bổ nhiệm hòa giải viên nên quy định có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên.

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, hầu hết các đại đều cho rằng Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trước đây được thực hiện đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, tạo sự cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế một số tổ chức, cá nhân được giao đất nhưng không canh tác, sản xuất gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Vì vậy, các đại biểu đề nghị vẫn cần phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp song cần có sự tổng kết về chính sách này để có phương hướng thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

 Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi.

Dự  thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều quy định quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước với thanh niên; tổ chức thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội với thanh niên… Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn quyền của thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc.

Thu Hiền