Thứ 3, 23/07/2024, 01:31[GMT+7]

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Đông Hưng

Thứ 6, 10/01/2014 | 08:47:44
1,008 lượt xem
Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn về chính sách tín dụng, tài chính, giá cả nguyên liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng tiểu thủ công nghiệp bấp bênh, song các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các làng nghề, cụm công nghiệp tập trung ở Ðông Hưng vẫn tiếp tục giữ vững ổn định, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cơ sở thu gom phế liệu ở xã Nguyên Xá (Ðông Hưng).

Một trong những địa phương có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh ở Ðông Hưng là xã Ðông La. Trước năm 2000, toàn xã mới có 2.700 lao động tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, đến nay đã có gần 6.000 lao động tham gia làm nghề với 7/7 thôn đều có nghề, trong đó nhiều nghề mới được du nhập mở rộng và phát triển thu hút nhiều lao động như đan đệm cói, làm giấy tiền, thêu hạt cườm.

Một số nghề truyền thống đang  từng bước khôi phục như thêu thảm, đan tre. Ngoài ra, xã còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại Cụm công nghiệp với tổng diện tích 90,8ha. Ðến nay đã có 47 dự án, trong đó 43 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang xây dựng. Tổng nguồn vốn thực hiện trong các Cụm công nghiệp đạt trên 984 tỷ đồng, thu hút 3.600 lao động có thu nhập ổn định từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hay như Nguyên Xá cũng là xã có số lao động làm nghề và có Cụm công nghiệp phát triển sôi động không kém.

Trong năm qua, Nguyên Xá tiếp tục duy trì phát triển đa dạng các ngành nghề như may mặc, chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất bánh kẹo, thu gom phế liệu. Hiện nay xã có trên 2.000 lao động làm nghề đạt thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Nguyên Xá còn tiếp tục phát triển Cụm công nghiệp với diện tích 9,5ha, tổng nguồn vốn đăng ký trên 80 tỷ đồng. Ðến nay, đã có 9 doanh nghiệp đi vào sản xuất, 1 doanh nghiệp đang xây dựng, tạo việc làm cho trên 300 lao động.

Trong năm qua, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục giữ vững ổn định. Giá trị sản xuất ước đạt 821,6 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2012. Một số ngành hàng, mặt hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng như may xuất khẩu, chế biến nông sản, gia công cơ khí, mây tre đan, bật lửa ga... Các doanh nghiệp dệt may và cơ sở sản xuất may gia công ở các xã chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu các ngành hàng sản xuất công nghiệp. Tại 5 cụm công nghiệp tập trung, mặc dù trong năm chỉ có thêm 1 dự án chế biến thực phẩm đăng ký đầu tư mới, 1 dự án bổ sung ngành nghề sản xuất, 1 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, 4 dự án chia tách chuyển đổi chủ sở hữu xin hoàn thiện hồ sơ thuê đất nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì ổn định, nhất là các sản phẩm vật liệu xây dựng, giầy da, may xuất khẩu, sản xuất bật lửa ga.

Ðến nay đã có 71 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, trong đó 60 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 7 dự án đang triển khai xây dựng, Năm 2013, giá trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các Cụm công nghiệp ước đạt 1.345 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó từ sản xuất đạt 485 tỷ đồng, tăng 16,2%, kinh doanh dịch vụ 860 tỷ đồng, tăng 1,8%, giải quyết việc làm cho 4.536 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Ðể có được kết quả trên, năm 2013 Ðông Hưng tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh công tác phát triển nghề và làng nghề, chú trọng duy trì nghề truyền thống, du nhập nghề mới, tạo việc làm cho lao động trong lúc nông nhàn. Do vậy, năm 2013 Ðông Hưng đã có thêm 3 làng nghề mới được công nhận nâng tổng số lên 27 làng nghề, làng nghề suy giảm cũng giảm xuống còn 1 làng.

Phối hợp với Sở Công Thương mở 5 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 200 lao động học nghề tại các xã Ðông Vinh, Ðông Kinh, Trọng Quan, Phong Châu và lớp đào tạo sửa động cơ máy nông nghiệp cho 50 lao động ở xã Ðông Vinh. Ngoài ra, huyện đang triển khai 12 dự án đào tạo lao động cho trên 900 lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu các nghề như mây tre đan, móc sợi xuất khẩu, đan làn, may công nghiệp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề trong huyện gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt một số ngành hàng truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, thêu thảm, gia công đồ gỗ mỹ nghệ. Ngoài ra, giá trị ngày công lao động khu vực hộ gia đình, làng nghề thấp, thu nhập bình quân đạt 900.000 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trong các cụm công nghiệp tập trung, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ chậm như đồ gỗ, cơ khí, sản phẩm nhựa tái chế. Công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất gặp khó khăn. Hạ tầng cụm công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng...

Ðể sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá, bước vào năm 2014 Ðông Hưng tiếp tục phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Duy trì phát triển sản xuất trong các làng nghề, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện có. Tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho một số cơ sở sản xuất tại khu vực làng nghề nhằm giảm bớt khó khăn cho khu vực hộ gia đình và làng nghề. Tổ chức đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 Thu Thủy

  • Từ khóa