Thứ 4, 24/04/2024, 21:15[GMT+7]

Nghĩa tình cựu thanh niên xung phong

Thứ 2, 13/07/2020 | 16:22:27
1,235 lượt xem
Trong kháng chiến, thanh niên xung phong (TNXP) luôn đoàn kết, sẵn sàng xông pha trong bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ, góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Đất nước thống nhất, các cựu TNXP tiếp tục giữ vững ngọn lửa cách mạng thông qua các hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, thăm đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, tri ân, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện nay.

Các cựu thanh niên xung phong thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh tại ga Núi Gôi (Nam Định).

Trong chiến tranh, ga núi Gôi là khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường. Chính vì vậy, đây là một trong các trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Một trong những lần mà ta bị thiệt hại nặng nề nhất là ngày 20/8/1966. Về thăm lại nơi mình và đồng đội đã chiến đấu, sư thầy Thích Đàm Đoán, cựu TNXP Đại đội 895, Đội 89 nghẹn ngào kể lại: Vào khoảng 17 giờ ngày 20/8/1966, địch cho một tốp máy bay bất ngờ bắn phá đoàn tàu vừa đến ga Gôi đang chờ lệnh vượt cầu Ninh Bình để đưa vũ khí, hàng hóa vào chiến trường. Một số toa của đoàn tàu đang cháy dữ dội. Toa hàng hóa, gạo đổ tràn ra ngoài. Gần đầu tàu có một toa cũng đang cháy, khói da cam mờ xanh từ đó bốc lên mù mịt và nồng nặc. Không một giây lưỡng lự, TNXP Đại đội 895, Đội 89 cùng với các lực lượng có mặt lao vào bốc hàng và dập đám cháy. Biết nguy hiểm, có thể hy sinh nhưng chúng tôi vẫn xông lên cứu đoàn tàu. Anh chị em hy sinh nằm lại đây là 13 đồng chí. Sau hơn 50 năm trở lại chiến trường cũ, chúng tôi rất cảm động. Anh chị em lúc đó có 17, 18 tuổi. Chúng tôi được như thế này rất cảm động, thương các anh, các chị, tuổi còn trẻ nằm xuống như người đi ngủ. Thương lắm! Nhớ lắm! Tôi vẫn nhớ mặt từng người, không thể quên được!

Giữa những ngày hè rực lửa, núi Nấp, núi Nhồi (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thật là bình lặng giữa đất trời. Đã xanh lại những khoảng trời bom đạn. Những đau thương cũng đã lắng dịu dần. Riêng hồi ức về 13 cô gái TNXP tuổi đời mười tám, đôi mươi ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ vẫn khắc ghi trong lòng bao thế hệ, đặc biệt là những đồng đội của các chị. Về thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống, bà Nguyễn Thị Hồng Chiến, cựu TNXP Đại đội 873, Đội 87 dường như sống lại những ngày tuổi trẻ đầy sục sôi. Bà nhớ lại: Nơi đây là tọa độ bom để dấu đường tàu, dấu hàng hóa, nhân lực, vũ khí để đưa vào giải phóng miền Nam. Ngày đó, bom Mỹ dồn dập đánh, bỏ xuống đường sắt làm cho tàu không thể thông được. Cấp trên điều động toàn bộ trung đội, trong đó C873 xung kích ra đây cứu đường. Mặc dù bom đạn rình rập xung quanh nhưng anh chị em làm việc rất hăng say, tích cực. Khi còn 15 phút nữa hoàn thành nhiệm vụ để đường tàu thông, thật không may, đúng giờ phút ấy, bom Mỹ lại dội đến 1 trận nữa, đúng địa hình anh chị em đang làm. Lúc đó 13 đồng chí của chúng tôi, tuổi chưa đầy 20 ngã xuống, còn lại gần 40 đồng chí khác bị thương. Sau trận đó, chúng tôi lại tiếp tục vào tuyến đường Trường Sơn, đường 20 Quyết thắng. Cũng chính vì lòng thương xót đồng đội, căm thù giặc Mỹ, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với vị trí trọng yếu, nằm trên vĩ tuyến 20, có hai bờ cao, nơi dòng sông sâu chảy xiết, cầu Hàm Rồng được Mỹ coi là “điểm nút số một” để cô lập con đường chi viện từ Bắc vào Nam. Chúng dùng đủ mọi loại máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ trút hơn 71.500 tấn bom đạn xuống nơi đây. Nhưng trong khói lửa, bom đạn của chiến tranh, cùng với quân và nhân dân Thanh Hóa, Đội 93 TNXP Thái Bình vẫn trụ vững chiến đấu, quyết tâm bảo vệ huyết mạch giao thông. 

Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khi về thăm chiến trường xưa, ông Đỗ Văn Tụy, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 931, Đội 93 vẫn vẹn nguyên ký ức: Đơn vị tôi ở Hàm Rồng 18 tháng. Có 2 trận đánh mà đơn vị thiệt hại nặng. Trận thứ nhất hy sinh 4 người, trận thứ hai hy sinh 13 người. Đồng đội hy sinh nhưng chúng tôi ổn định tư tưởng cho anh em, động viên anh em, phát động phong trào trả thù cho đồng đội, để bảo đảm cho mạch máu giao thông. Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc. 

Còn ông Trần Công Hậu, cựu TNXP Đại đội 931, Đội 93 kể lại với sự biết ơn những đồng đội đã cứu mình. Ông cho biết: Tôi là người trẻ nhất Đại đội nhưng lại là người bị bom đạn, đất đá vùi lấp trong một trận đánh. Hôm ấy không có đồng đội thì tôi chết rồi. Khi các chị ấy lôi tôi lên thì không còn mảnh quần áo nào cả. Chị Thơm ở trong Sài Gòn lấy áo của đồng chí Loan mặc cho tôi. Các đồng chí mang tôi vào bệnh viện, người ta bảo mang vào chậm là tôi sẽ chết. Rất là may cấp cứu kịp thời.

Sư thầy Thích Đàm Đoán xúc động khi nhớ về đồng đội của mình. 

Chiến tranh kết thúc, gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, tiếp nối khúc hoan ca là những năm tháng kiến thiết, xây dựng, đổi mới đất nước. Những chàng trai, cô gái TNXP năm xưa giờ đây dù tuổi cao, sức yếu, nhiều người phải chống chọi với bệnh tật, di chứng của chiến tranh nhưng vẫn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ sáng mãi phẩm chất TNXP - phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào của hội, của địa phương. Đặc biệt, hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” được các cấp hội tích cực triển khai với hàng chục tỷ đồng được vận động quyên góp, tiếp nhận để giúp đỡ, tri ân các đồng đội.

Mái tóc pha sương của các cựu TNXP đã nhuốm màu thời gian. Trong hành trình thăm lại chiến trường xưa, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về lớp lớp cha anh đã có một thời hoa lửa để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu. Là những bài học về tình yêu, sự hy sinh cho đất nước, tình đồng chí, đồng đội. Là những tấm gương không bao giờ phai mờ dù trong mưa bom, lửa đạn, hay trong cuộc sống xây dựng, phát triển đất nước hôm nay.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày