Thứ 7, 20/04/2024, 12:01[GMT+7]

Phá thế ốc đảo (Kỳ 4)

Chủ nhật, 19/07/2020 | 09:10:08
3,004 lượt xem
Xác định hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là nút thắt căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây bài toán đặt ra đối với tỉnh Thái Bình, làm gì để thu hút nguồn lực nhằm “khơi thông” và từng bước gỡ “nút thắt” về giao thông.

Người dân đồng thuận phá dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng thi công các công trình đường giao thông.

Kỳ 4: Khớp nối giao thông liên vùng

Khơi thông nguồn vốn 

Không trông chờ vào nguồn ngân sách từ Trung ương, tỉnh Thái Bình đã chủ động, mạnh dạn huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây được coi là cách làm sáng tạo, bước đi quyết liệt của tỉnh nhằm từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Trong đó có huy động các nguồn lực và triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), từ đó giảm gánh nặng đầu tư công, góp phần tạo nên hệ thống hạ tầng có kết cấu đồng bộ, hiện đại rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 12 dự án đầu tư được triển khai thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước là 10.206 tỷ đồng (chiếm 60%), vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà đầu tư huy động là 6.753,6 tỷ đồng (chiếm 40%).

Đường Kỳ Đồng (thành phố Thái Bình).

Nếu như trước đây, thành phố Thái Bình về phía Tây Bắc chỉ dừng lại ở đường Trần Thái Tông, thì nay đô thị đã rộng hơn rất nhiều, tạo ra một bộ mặt hoàn toàn khác với những khu phố thương mại, những khu dân cư hiện đại. Để có được như vậy, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, thì nguồn vốn huy động từ xã hội hóa cũng đóng góp rất lớn. Trong đó phải kể đến các nguồn lực đầu tư xây dựng đại lộ Kỳ Đồng kéo dài đoạn từ Trần Thủ Độ đến quốc lộ 10, với chiều dài trên 1,6 km, bề rộng 45m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 8m, vỉa hè rộng 8m. Đại lộ Kỳ Đồng kéo dài đã kết nối trung tâm thành phố với cực phát triển phía Tây Bắc, góp phần thúc đẩy thông thương, giao lưu đối ngoại với các tỉnh lân cận, phát huy hết tiềm năng phát triển của trung tâm thành phố, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình. 

Đồng thời, tạo lập cửa ngõ phía Tây Bắc với trục đại lộ và khu đô thị hiện đại, đồng bộ, xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, sánh vai với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Không những thế, đây còn là dự án đầu tiên tại Thái Bình được thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Trong điều kiện ngân sách nhà nước trung ương và địa phương còn hạn hẹp, việc thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp phục vụ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là chủ trương, định hướng, quyết sách đúng đắn và cần thiết.

Chủ động kết nối vùng

Video: Clip_ky_4_WED_18_7_2020.mp4

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Trọng Vĩnh, Thái Bình đã chủ động có giải pháp đầu tư xây dựng các tuyến đường trọng điểm, trong đó có tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, kết nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, việc bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cả tuyến đường hết sức khó khăn đối với tỉnh Thái Bình. Để giảm bớt khó khăn về nguồn vốn, trên cơ sở giao kết hợp tác giữa tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng, thống nhất chủ trương thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hải Phòng. Đoạn tuyến Thái Bình, hiện các sở, ngành của tỉnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết thêm:

Audio: Ky_4_ong_NGUYEN_TRONG_VINH.mp3

 Thi công cầu vượt sông Trà Lý thuộc tuyến đường bộ ven biển.

Cùng với đó, Thái Bình đang tập trung huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển. Đến nay, hình hài về một tuyến đường được mong đợi nhất trong những năm qua đã dần hiện hữu, với chiều dài 34,5 km, đi qua địa bàn 24 xã thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Đây là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thái Bình bởi khi dự án được hoàn thành đi vào sử dụng sẽ góp phần tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ; tạo điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Thái Bình, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống bão, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực ven biển; phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, lợi thế của tỉnh. Xác định được tầm quan trọng đó, Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. 

Có mặt tại công trình cầu vượt qua sông Trà Lý trong dự án đường bộ ven biển, chúng tôi ghi lại không khí khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công của các nhà thầu. Không riêng gì các nhà thầu, từ chính quyền các cấp, chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án cho đến người dân 2 huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải đều đồng lòng, đồng sức tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tuyến đường được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

 Thi công đường ven biển đoạn qua xã Đông Trà (Tiền Hải).

Thi công đường ven biển đoạn qua xã Thụy Trường (Thái Thụy).

 Trao đổi với kỹ sư Phạm Quang Cường, Chỉ huy công trình cầu vượt sông Trà Lý Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang thi công đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, tập trung vào phần bệ, thân trụ cầu; phấn đấu thông xe tháng 2/2021. 

Video: Ky_4_ong_PHAM_TUNG_LAM.mp4

Nhận thức được tầm quan trọng đó, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thái Thuỵ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị, các cấp ủy cơ sở và người dân hiểu, nhận thức và đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, cũng như giải phóng mặt bằng cho việc đầu tư Khu kinh tế, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị trong tương lai.

Trong chiến lược phát triển những năm tới, hạ tầng vẫn là yếu tố được Thái Bình coi trọng hàng đầu để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thúc đẩy đô thị phát triển theo hướng bền vững; đồng thời mở ra cơ hội mới trong liên kết vùng dễ dàng và thuận lợi cho Thái Bình và các tỉnh, thành phố. 

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày