Thứ 3, 07/05/2024, 15:30[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (1/5/1915 - 1/5/2015) Ðại tướng Hoàng Văn Thái với cách mạng Việt Nam

Chủ nhật, 26/04/2015 | 17:20:22
8,723 lượt xem
Ðại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986), tên thật là Hoàng Văn Xiêm. 71 tuổi đời, 53 năm đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, đất nước và quân đội, từ một thanh niên yêu nước, ông đã trở thành một Ðại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã dâng hiến cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh non sông đất nước, quê hương và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ðảng ủy Chiến dịch biên giới năm 1950 (người trên cùng là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Ảnh tư liệu

 

Người thanh niên yêu nước tiêu biểu

 

Năm 15 tuổi, Hoàng Văn Xiêm chứng kiến và chịu ảnh hưởng bởi phong trào cộng sản từ cuộc nổi dậy của nhân dân Tiền Hải hưởng ứng Xô viết Nghệ Tĩnh  (1930). 18 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Từ một phu thợ được giới thiệu và dần giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, ông đã tham gia các hoạt động bãi công của công nhân, chống sự bóc lột của chủ mỏ ở Quảng Ninh và Cao Bằng. Năm 1936, bị đuổi việc, ông trở về quê trong lúc phong trào Mặt trận Nhân dân phản đế Ðông Dương lên cao. Có kinh nghiệm tổ chức công nhân, lại gặp được Nguyễn Trung Khuyến - cán bộ cộng sản, trực tiếp hướng dẫn hoạt động, ông đã vận động thanh niên trong làng An Khang thành lập Ðoàn Thanh niên Dân chủ. Với danh nghĩa mở lớp dạy nhạc âm, ông tập hợp thanh niên tham gia hoạt động đoàn thể. Sau vài tháng, Hội tương tế của làng phát triển lên 170 hội viên do ông Lương Thúy làm Hội trưởng, Hoàng Văn Xiêm làm Thư ký. Ông đã cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính, đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ. Với hoạt động yêu nước và sự tích cực của tuổi trẻ, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương tháng 3 năm 1938.

 

Tháng 9 năm 1940, Hoàng Văn Xiêm bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Kiến Xương. Lợi dụng việc bảo lãnh tại ngoại, ông được tổ chức bố trí bí mật thoát ly khỏi địa phương, về hoạt động ở Lạng Giang (Bắc Giang) - vùng căn cứ kháng chiến. Ông được tham dự lớp huấn luyện quân sự, chính trị ngắn ngày. Tháng 3 năm 1941, ông được cử đi tăng cường cho Ðội du kích Bắc Sơn. Tháng 4 năm 1941, ông được phân công chỉ huy một tiểu đội du kích Bắc Sơn. Tháng 9 năm 1941, để tăng cường lực lượng chỉ huy, với bí danh Quốc Bình, ông cùng các đồng chí Hoàng Minh Thảo, Ðàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối năm 1943, ông đã được trực tiếp gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi về nước, ông mang bí danh Hoàng Văn Thái.

 

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, khi cao trào cách mạng lên cao, lãnh đạo Việt Minh quyết định thành lập một lực lượng vũ trang với tổ chức chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 đội viên là các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, đội viên được chọn lọc từ các đơn vị cứu quốc quân, các đội du kích của Việt Minh. Ðồng chí Hoàng Văn Thái vinh dự được lựa chọn đứng trong hàng ngũ của đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta; được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến.

 

Vị tướng làm công tác tham mưu giỏi

 

Theo nhiều sử sách trong và ngoài nước ghi chép và nhận định, Ðại tướng Hoàng Văn Thái là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như có ảnh hưởng đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy quân đội, ông vừa là người chỉ huy tài giỏi, vừa có công lớn lao trong xây dựng quân đội ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng. Nhưng dấu ấn quan trọng nhất ông để lại cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội chính là tài thao lược về công tác tham mưu tác chiến chiến lược.

 

Ngày 7 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân khi ông vừa tròn 30 tuổi. Sự nghiệp chỉ huy công tác tham mưu tác chiến chiến lược của quân đội đầy gian khó và vinh quang của ông cũng bắt đầu nảy nở từ đây.

 

Với những đóng góp hết sức lớn lao trong công tác tham mưu, ông đã góp phần vô cùng quan trọng làm nên chiến thắng của nhiều chiến dịch lớn, để lại bài học sâu sắc về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã nói: “Anh Thái là Tổng Tham mưu trưởng của quân đội ta, đồng thời đã đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng trong ban chỉ huy tác chiến các chiến dịch lớn, từ Chiến dịch biên giới cho đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Có thể nói anh đã làm công tác tham mưu suốt cả cuộc đời”.

 

Mùa xuân năm 1975, Ðại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo chiến trường. Thượng tướng Hoàng Văn Thái lo điều động lực lượng, phương tiện, vũ khí để hình thành cuộc hành quân vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng trong thế kỷ XX. Cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975 là sự kết hợp tuyệt vời của các quân đoàn chủ lực và cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân. Ðó cũng là hệ quả của quá trình rèn luyện, xây dựng quân đội chính quy trong 10 năm hòa bình ở miền Bắc mà Ðại tướng Hoàng Văn Thái có vinh dự được đóng góp bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Ðại tá, TS Nguyễn Văn Quang

Trưởng ban Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

 

  • Từ khóa