Thứ 5, 09/05/2024, 03:17[GMT+7]

Họp Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình

Thứ 6, 24/07/2020 | 15:49:18
3,634 lượt xem
Sáng ngày 24/7, Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Thái Bình tổ chức họp nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo Đề án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 và sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo đề án xây dựng ĐTTM, giai đoạn 2020 – 2022, Thái Bình sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ĐTTM và CQĐT để bảo đảm triển khai ứng dụng thông minh trên tất cả các lĩnh vực. Hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu, bảo đảm tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, khả năng tích hợp và chia sẻ các dữ liệu để phục vụ công tác quản lý điều hành, phát triển các ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực. Nâng cấp năng lực giám sát không gian mạng, năng lực thu thập dữ liệu, giám sát thông tin hiện trường, giám sát công vụ, nắm bắt, ứng phó, phối hợp hiệp đồng xử lý tập trung các sự cố khi có tình huống khẩn cấp xảy ra… Có 12 nội dung ưu tiên triển khai trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, nông nghiệp, du lịch.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng ĐTTM  trong đó có mở rộng hệ thống camera giám sát trên phạm vi rộng, đẩy mạnh xây dựng các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực đã triển khai giai đoạn 2020 - 2022. Tiếp tục nâng cấp môi trường tương tác với người dân và doanh nghiệp thông qua môi trường trực tuyến. Mục tiêu định hướng đến năm 2030, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các dự án triển khai trong giai đoạn trước theo nhu cầu của thực tế. Triển khai hệ thống ứng dụng thông minh chuyên ngành cho các lĩnh vực khác của tỉnh nhằm tạo sự đột phá trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền và nâng cao chất lượng hưởng thụ dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành, đơn vị tư vấn, kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của xây dựng ĐTTM với sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn căn cứ vào các nội dung được các sở, ngành tham gia góp ý, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu, hoàn thiện, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt. Có kế hoạch tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, triển khai các bước đồng bộ kết nối phần mềm, tích hợp dữ liệu, quản trị, bảo đảm vận hành và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ CQĐT và triển khai ĐTTM. Cần tính toán, triển khai thí điểm ở một số ngành quan trọng như Công an, Y tế và một số địa phương. Sau khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị, sở, ngành đánh giá thực trạng, nghiên cứu, xây dựng đề án chi tiết các thành phần tham gia xây dựng ĐTTM, bảo đảm lồng ghép các nguồn lực, kinh phí thực hiện đề án, có các kế hoạch học tập, sơ kết, rút kinh nghiệm các giai đoạn để đồng bộ xây dựng ĐTTM.

Trịnh Cường