Thứ 6, 29/03/2024, 09:08[GMT+7]

Không chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo

Thứ 2, 20/07/2020 | 09:59:27
2,112 lượt xem
Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay là điều kiện thuận lợi phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh dại trên chó, mèo. Để ngăn chặn khả năng bệnh dại trên động vật bùng phát, đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, việc chủ động phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo là hết sức cần thiết.

Chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh trên động vật nuôi.

Theo thống kê hàng năm, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh từ 140.000 - 153.000 con (chưa tính số lượng mèo). Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng hàng năm chỉ đạt tỷ lệ từ 48,5 - 53,1%. Kết quả tiêm phòng còn nhiều hạn chế, nguyên nhân là do người nuôi chó, mèo vẫn còn xem nhẹ mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nhiều địa phương chưa tích cực trong công tác chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn vật nuôi. Để chủ động phòng, chống có hiệu quả bệnh dại ở động vật nhằm giảm nguy cơ phát sinh bệnh dại trên người, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý đàn chó nuôi và phòng, chống bệnh dại ở động vật. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi chó để nắm bắt tổng đàn; yêu cầu các hộ nuôi chó thực hiện nghiêm túc việc khai báo số lượng nuôi, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi theo quy định; quản lý đàn chó nuôi bằng cách xích, nhốt, không thả rông; nếu cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó. Các địa phương tổ chức tốt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi hàng năm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất là 70% so với tổng đàn, đồng thời thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó tiêm sót hoặc nuôi mới. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người nuôi chó đối với cộng đồng, từ đó tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh dại tại cơ sở; các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, nhất là chó, mèo nhập từ tỉnh ngoài nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống bệnh dại theo quy định.


Trước tính chất nguy hiểm của bệnh dại, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Điển hình là xã Chương Dương (Đông Hưng), tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi hàng năm luôn đạt trên 90%. Ông Phạm Văn Hoan, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Năm 2017, trên địa bàn xã xảy ra một trường hợp bị chó cắn, sau đó phát bệnh dại và tử vong. Nguyên nhân là hộ dân chưa tiêm phòng cho chó nuôi, thành viên trong gia đình sau khi bị chó cắn đã chủ quan không đi điều trị dự phòng. Sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã khẩn trương rà soát đàn chó nuôi, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho toàn bộ đàn chó nuôi tại địa phương. Hàng năm, xã tổ chức tốt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo đợt đại trà và bổ sung hàng tháng. Các hộ nuôi chó trong xã tuân thủ tuyệt đối việc tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi theo quy định, thực hiện tốt việc quản lý đàn chó nuôi, không thả rông chó ra ngoài đường.


Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống bệnh dại đã có chuyển biến tích cực. Bà Đỗ Thị Thanh, thôn Thái Hòa, xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Việc tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi tại gia đình rất cần thiết nhằm bảo vệ chính sức khỏe của các thành viên trong gia đình và những người xung quanh. Mỗi khi nuôi lứa chó mới tôi đều chủ động báo với cán bộ thú y của xã để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó. Hàng ngày tôi thường xuyên xích, nhốt chó, gài cổng để chó không ra đường, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như chó cắn, tấn công người lạ.


Thanh Huyền