Thứ 5, 18/04/2024, 23:55[GMT+7]

Quỳnh Phụ chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ 2, 27/07/2020 | 08:27:01
1,132 lượt xem
Vụ mùa năm 2020, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy trên 11.000ha lúa, trong đó nhóm lúa chất lượng cao chiếm 40% (ĐS1, TBR279...), còn lại là các giống có năng suất cao như BC15, TBR225, TBR1...

Nông dân huyện Quỳnh Phụ bón thúc cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, với phương châm bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và an ninh lương thực trên địa bàn, Quỳnh Phụ đã tập trung tuyên truyền sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở về chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất an toàn, chủ động và có kế hoạch ứng phó với bệnh lùn sọc đen cùng những điều kiện thời tiết bất lợi trong vụ mùa và vụ đông. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện đề án sản xuất của địa phương phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu cấy hết diện tích lúa mùa, không để diện tích bỏ hoang, bố trí cơ cấu giống và khung thời vụ gieo cấy lúa mùa hợp lý.

Nhằm tạo quỹ đất, đáp ứng yêu cầu thời vụ gieo trồng cây vụ đông, Quỳnh Phụ tập trung mở rộng diện tích các trà lúa mùa cực sớm và sớm đạt trên 7.000ha, trong đó trà lúa cực sớm với các giống lúa QR1, N97, lúa Nhật... trên 1.500ha, phấn đấu trỗ trước ngày 30/8 và thu hoạch xong trước ngày 30/9. Bên cạnh đó, với diện tích lúa tái sinh tập trung ở các xã phát triển mạnh cây ớt đông sớm như: Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, Quỳnh Hội, An Ấp, An Cầu... được chỉ đạo thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để hạn chế sâu đục thân hai chấm di chuyển từ lúa tái sinh sang lúa mùa đại trà, dự kiến cho thu hoạch trước ngày 31/7 để dành quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm trà sớm.

Nhờ chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, vụ mùa năm nay, nhiều nông dân huyện Quỳnh Phụ đã tập trung tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Chị Phạm Thị Hoa, thôn Bắc Sơn, xã Quỳnh Thọ chia sẻ: Trước đây chỉ có 4 sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi tích tụ được 9,3ha đất, trong đó 6,1ha chuyên canh lúa Nhật thương phẩm, diện tích còn lại phát triển kinh tế VAC, bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Vụ mùa năm nay, nhờ sắm được máy làm đất, máy cấy, ngoài diện tích ruộng của gia đình chúng tôi còn làm dịch vụ cấy thuê với tổng diện tích 10,8ha lúa Nhật và BC15. Gia đình tôi cấy từ ngày 14/7, đến nay đã hoàn thành, hiện tại lúa đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh, tôi duy trì mực nước nông thường xuyên trên ruộng để tạo điều kiện cho lúa mùa sinh trưởng phát triển tốt.

Nông dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa mùa.

Vụ mùa năm nay, xã An Quý gieo cấy 244,9ha lúa mùa, với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa BC15, N97... Trong đó có 17ha thực hiện dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP) tại Việt Nam do Tổ chức phát triển Hà Lan quản lý nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo tại các thôn Mai Trang, Mỹ, Đồng Ấu. Để sản xuất vụ mùa hiệu quả, bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX DVNN An Quý cho biết: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã huy động gần 10 máy làm đất, 2 máy cấy tham gia sản xuất vụ mùa. Công tác điều tiết thủy lợi, diệt chuột, ốc bươu vàng được tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể nông dân, 2 cửa hàng cung ứng vật tư của HTX DVNN bảo đảm cung cấp giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng để bà con nông dân yên tâm sản xuất. Nông dân xã An Quý đã tiến hành cấy đại trà từ ngày 10 - 20/7.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung tuyên truyền nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa mùa, giữ nước mặt ruộng, diệt ốc bươu vàng, bón thúc tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt trong thời tiết nắng nóng.

Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày