Thứ 7, 20/04/2024, 22:02[GMT+7]

Thái Thụy: Phòng, chống bệnh lùn sọc đen và diệt chuột bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 28/07/2020 | 08:42:51
1,112 lượt xem
Sau gieo cấy lúa mùa, nông dân huyện Thái Thụy đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa, đặc biệt là tổ chức phun trừ rầy, phòng, chống bệnh lùn sọc đen và diệt chuột.

Nông dân xã Thái Giang (Thái Thụy) phun trừ rầy bảo vệ lúa mùa.

Đến nay hơn 1 mẫu lúa mùa của gia đình bà Phạm Thị Thơm, thôn Nha (Thái Giang) đang phát triển tốt và trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Tuy nhiên, một số diện tích lúa mùa của nhà bà Thơm đang bị chuột phá hại. Bà Thơm cho biết: Nhà tôi cấy hơn 2 sào lúa bị chuột phá hại mất 1/3 diện tích. Tôi đã phải căng nilon cho toàn bộ diện tích lúa mùa của gia đình, đồng thời đăng ký với HTX dịch vụ diệt chuột để bảo vệ lúa mùa mới cấy. Tại diện tích lúa mùa bị chuột cắn phá tôi đã dặm lại để bảo đảm mật độ gieo cấy.

Giống như gia đình bà Thơm, một số diện tích lúa mùa trên địa bàn xã Thái Giang cũng đang bị chuột cắn phá. Trước tình trạng trên, HTX SXKD DVNN xã Thái Giang đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống chuột phá hại, đồng thời thực hiện hợp đồng thuê Công ty Môi trường xanh Hà Nội tổ chức diệt chuột cho các hộ dân có diện tích lúa mùa trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Huy Giáp, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Tại những vùng, cánh đồng trên địa bàn đang bị chuột phá hại, Công ty Môi trường xanh Hà Nội đã tập trung tổ chức đánh bẫy chuột bằng các biện pháp thủ công để bảo vệ lúa mùa của người dân. Bên cạnh việc tổ chức diệt chuột thì hiện nay trên đồng ruộng trong xã đã xuất hiện rầy lưng trắng (nguồn môi giới bệnh lùn sọc đen) phát sinh. Vì vậy, HTX đang tích cực đôn đốc bà con thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là kiểm tra kỹ các khóm lúa nếu thấy đa số rầy lưng trắng phát triển thì tiến hành phun trừ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện để phòng, chống bệnh lùn sọc đen, thời gian phun trừ từ nay đến đầu tháng 8.

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn huyện Thái Thụy, hiện nay trên đồng ruộng tại nhiều xã đã xuất hiện rầy lưng trắng phát sinh trên diện rộng với mật độ rầy non trung bình từ 15 - 20 con/m2, nơi cao từ 50 - 70 con/m2, cá biệt có nơi từ 300 - 500 con/m2. Nhất là tại một số xã như Thụy Quỳnh, Thụy Dũng, Thụy Hưng..., mật độ rầy trưởng thành nơi cao từ 3 - 5 con/m2, cá biệt 20 - 30 con/m2, chủ yếu là rầy cánh dài mang trứng. Bên cạnh đó, thời tiết những ngày qua liên tục có nắng nóng kéo dài, đây là điều kiện thuận lợi cho rầy gia tăng mật độ và gây hại cho các diện tích lúa mùa từ nay đến đầu tháng 8/2020. Ngoài ra, trên đồng ruộng còn xuất hiện một số khóm lúa có triệu chứng của bệnh lùn sọc đen, vì vậy nếu không tổ chức phun trừ kịp thời thì đây sẽ là lứa rầy có nguy cơ lây nhiễm virus lùn sọc đen gây hại cho lúa mùa rất cao.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để hạn chế nguồn môi giới bệnh lùn sọc đen và bảo vệ an toàn cho diện tích lúa mùa, Phòng đã hướng dẫn các xã, thị trấn, HTX SXKD DVNN trên địa bàn huyện tập trung đôn đốc người dân kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy đa số rầy lưng trắng từ tuổi 1 đến tuổi 3 (rầy cám) thì tiến hành phun trừ ngay, thời gian phun hiệu quả từ 23/7 đến 5/8; phân công cán bộ phụ trách từng vùng, cánh đồng để hướng dẫn người dân kiểm tra đồng ruộng, xác định những diện tích, khóm lúa có triệu chứng của bệnh lùn sọc đen thì tiến hành nhổ bỏ, vùi dập và tiêu hủy, đồng thời thông báo cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.

Để công tác phun trừ rầy, phòng, chống bệnh lùn sọc đen đạt hiệu quả cao, UBND huyện Thái Thụy đang tích cực chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị liên quan của huyện phân công cán bộ chuyên môn về cơ sở hướng dẫn việc tổ chức phun trừ rầy, thực hiện các biện pháp ứng phó với bệnh lùn sọc đen; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của đợt phun trừ rầy lần này, nắm rõ lịch và kỹ thuật phun trừ hiệu quả...

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày