Thứ 4, 24/04/2024, 08:36[GMT+7]

Tiền Hải: Phòng, trừ rầy bảo vệ lúa mùa

Thứ 4, 12/08/2020 | 09:10:58
1,617 lượt xem
Thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, huyện Tiền Hải đã tập trung phòng, trừ rầy bảo vệ lúa mùa, không để phát sinh ra diện rộng.

Nông dân xã Tây Ninh (Tiền Hải) phòng, trừ rầy bảo vệ lúa mùa.

Đông Long là một trong những xã có diện tích lúa mùa với mật độ rầy cao. Những ngày qua, HTX DVNN xã Đông Long đã phối hợp với ngành chuyên môn thường xuyên có mặt trên cánh đồng để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ rầy hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. 

Ông Trần Ngọc Tỉnh, thôn Hưng Thịnh chia sẻ: 7 sào lúa của gia đình tôi đã bị nhiễm rầy. Qua 3 ngày phun thuốc, mật độ rầy đã giảm hẳn, không như những ngày trước rầy bám đầy ở gốc lúa. Tôi đang theo dõi, nếu rầy vẫn phát sinh, phát triển sẽ phun thuốc lần 2. Ngoài đối tượng rầy gây hại trên lúa mùa, đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa tốt sớm.

Không chỉ có Đông Long, các xã như Đông Quý, Tây Ninh, Bắc Hải tình hình rầy cũng phát sinh gây hại. Tại cánh đồng thôn Lạc Thành Bắc, xã Tây Ninh, bà con nông dân tập trung phòng, trừ rầy gây hại trên lúa mùa. Anh Tô Kim Huy cho biết: Được sự khuyến cáo của HTX DVNN, gia đình tôi đã kiểm tra đồng ruộng phát hiện mật độ rầy tới ngưỡng phải phòng, trừ. Tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở uy tín để phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho 1 mẫu cấy lúa BC15 của gia đình. Mặc dù rầy chưa nhiều, tuy nhiên nắng, mưa xen kẽ, việc phun thuốc diệt trừ gặp khó khăn, tôi sẽ phải phun nhắc lại để trừ rầy tận gốc.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, 10.000ha lúa mùa của Tiền Hải đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, các đối tượng dịch hại lúa mùa, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát triển mạnh là vật trung gian truyền nhiễm bệnh lùn sọc đen. Qua kiểm tra đồng ruộng, rầy non chủ yếu tuổi 1 - 3, mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, nơi cao 300 - 500 con/m2, cục bộ 700 - 1.000 con/m2, ổ 2.000 - 3.000 con/m2. Một số diện tích xuất hiện rải rác cây lúa có triệu chứng của bệnh lùn sọc đen như ở Đông Trà, Đông Quý, Đông Xuyên, Đông Long... 

Hiện nay, huyện yêu cầu ngoài tập trung phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần chú trọng bảo vệ sản xuất, trong đó tập trung công tác phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa, không được chủ quan, lơ là trước diễn biến thời tiết rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh trên diện rộng. Đặc biệt, rầy các loại gây hại trên lúa mùa là vật trung gian mang vi rút gây bệnh lùn sọc đen. Rầy dễ phát sinh thành dịch trên diện rộng và gây hại lớn đến năng suất, sản lượng lúa nếu công tác điều tra, phát hiện, chỉ đạo phòng, trừ thiếu kịp thời. 

Để bảo đảm diện tích lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, huyện yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật tùy tình hình thực tế để ra thông báo hoặc thông báo khẩn hướng dẫn nông dân cách phòng, trừ kịp thời, nhất là đối với các diện tích đến ngưỡng phòng, trừ. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức phòng, trừ rầy các loại đạt hiệu quả cao. Sử dụng đúng loại thuốc như hướng dẫn, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất. Khuyến cáo nông dân phun thuốc sát gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao. Ngoài đối tượng rầy các loại, bà con nông dân cần theo dõi các đối tượng sâu bệnh khác, thực hiện phun thuốc phòng, trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. 

Những ngày tới, các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tích cực bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh, phát triển của sâu bệnh để công tác chỉ đạo sát thực tế. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp trên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, không để tình trạng bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, nhất là thời kỳ cao điểm phòng, trừ sâu bệnh. Đài truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin về một số sâu bệnh thường phát sinh trong giai đoạn lúa đẻ nhánh để bà con nông dân nắm bắt, chủ động trong việc chăm sóc, phòng, trừ, bảo đảm lúa mùa phát triển an toàn từ nay đến cuối vụ.


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày