Thứ 4, 17/04/2024, 00:10[GMT+7]

Nuôi lợn thương phẩm bằng bổ sung thảo dược

Thứ 2, 22/02/2021 | 08:50:37
1,994 lượt xem
Thay vì sử dụng kháng sinh, nhiều loại thảo dược đã được một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng phối trộn vào thức ăn. Song sử dụng thảo dược nào, chế biến ra sao, tỷ lệ bổ sung và bổ sung thảo dược vào thời điểm nào vẫn là vấn đề được nhiều người chăn nuôi quan tâm.

Cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chia tỷ lệ, phối trộn các loại thảo dược.

Nhằm xác định loại thảo dược có hoạt chất đáp ứng yêu cầu kích thích tiêu hóa, tăng cường chức năng miễn dịch và xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thảo dược thay thế thuốc kháng sinh, tạo sản phẩm thịt lợn an toàn vệ sinh thực phẩm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng một số thảo dược trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại tỉnh Thái Bình”. Đề tài cho kết quả khả quan ở các mô hình nuôi thử nghiệm.

Gia đình ông Lê Vĩnh Thành, xã Tân Phong (Vũ Thư) là một trong những hộ tham gia mô hình sử dụng một số thảo dược trong chăn nuôi lợn thương phẩm. 

Ông Thành chia sẻ: 4 loại thảo dược là tỏi, nghệ, cỏ sữa và cây rẻ quạt được chế biến thành dạng bột khô bổ sung theo tỷ lệ phù hợp trong khẩu phần ăn của lợn thịt. Những ngày đầu trộn thảo dược bổ sung vào thức ăn, lợn chưa quen nên ăn ít, sau lợn đã quen vị thảo dược thì ăn tốt. Qua 3 lứa nuôi, ông nhận thấy nuôi lợn có bổ sung thảo dược, tốc độ sinh trưởng, phát triển của lợn tốt, ngoại hình của lợn đẹp, da hồng hào, lông mượt, mông vai phát triển săn chắc, đặc biệt là giảm rõ rệt mùi hôi trong chuồng nuôi. Vì thế cũng giảm được ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc bổ sung thảo dược trong thức ăn chăn nuôi dưới dạng thức ăn công nghiệp sẽ giúp người chăn nuôi giảm bớt thời gian so với sản xuất thức ăn và phối trộn thủ công, giảm chi phí tiền mua sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi, vừa tốn kém vừa tồn dư chất kháng sinh trong thực phẩm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi xuất bán đồng thời hạch toán chi phí chăn nuôi, ông thấy chi phí lợi nhuận tăng so với phương pháp nuôi sử dụng trộn thuốc kháng sinh phòng bệnh như trước đây.

Ông Bùi Quang Hộ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Để nghiên cứu, tìm ra một số thảo dược bổ sung vào thức ăn cho lợn thương phẩm thay thế kháng sinh, hướng đến sản xuất thịt lợn an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã nghiên cứu thực hiện đề tài. Ban đầu đơn vị điều tra, khảo sát xây dựng danh mục thảo dược có tính kháng khuẩn trên địa bàn tỉnh, lựa chọn 4 loại: tỏi, nghệ, cỏ sữa, rẻ quạt bởi đây là cây trồng phổ biến có thể trồng, mua dễ dàng sau đó nghiên cứu hỗn hợp chế phẩm thảo dược sử dụng; khảo sát nuôi thí điểm tại 2 trang trại trên địa bàn huyện Vũ Thư và Thái Thụy; đánh giá hiệu quả việc bổ sung thảo dược tới khả năng sản xuất và chất lượng thịt lợn... 

Qua khảo sát cho thấy người chăn nuôi đa phần sử dụng thảo dược dưới dạng ăn tươi, giã nhỏ trộn thức ăn hoặc sắc uống. Mỗi cách sử dụng đều có ưu, nhược điểm riêng song việc phơi khô và nghiền thành bột vẫn tối ưu hơn vì giữ lại được các thành phần hóa học của thảo dược, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại, có khả năng ứng dụng phù hợp với hầu hết quy mô chăn nuôi lợn... Tỷ lệ phối trộn hỗn hợp thảo dược tỏi, nghệ, rẻ quạt và cỏ sữa được nghiên cứu ở 3 mức là: 0,2%, 0,3% và 0,5% (tương đương 0,2kg, 0,3kg và 0,5kg/100kg thức ăn hỗn hợp).

Sau gần 2 năm nghiên cứu, nuôi thí điểm có đối chứng kết quả đề tài cho thấy hỗn hợp thảo dược đã làm tăng khả năng sinh trưởng của lợn thịt, ở các lô bổ sung thảo dược, sinh trưởng của lợn đều cao hơn so với lô không bổ sung; khối lượng lợn thí nghiệm tăng dần theo các giai đoạn tuổi... Việc bổ sung thảo dược còn giúp làm giảm tiêu tốn thức ăn so với lợn không bổ sung thảo dược. Với việc bổ sung 0,5% hỗn hợp thảo dược đã giảm thiểu tỷ lệ tiêu chảy trên lợn ở cả 2 giai đoạn nuôi, nhất là giai đoạn từ 120 ngày tuổi đến xuất chuồng. Chỉ số về chất lượng thịt tốt hơn so với lợn không được bổ sung thảo dược. Bổ sung hỗn hợp thảo dược với mức 0,5% là thích hợp nhất trong 3 mức đã thí nghiệm.

Từ kết quả của đề tài, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh mong rằng đây sẽ là cơ sở khoa học về việc ứng dụng thảo dược trong chăn nuôi lợn thịt; mở ra các chuỗi liên kết trong sản xuất giữa trồng trọt và chăn nuôi; liên kết giữa chăn nuôi và chế biến thực phẩm sạch; đề tài được ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn giúp tăng năng suất, chất lượng và hướng tới sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Như Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày