Thứ 6, 29/03/2024, 09:08[GMT+7]

Làm giàu từ tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa

Thứ 4, 03/03/2021 | 08:51:36
1,516 lượt xem
Trong khi một số nông dân không mặn mà với đồng ruộng thì ở xã Đông Động (Đông Hưng) lại có một người phụ nữ không quản “chân lấm, tay bùn”, thu gom từng thửa ruộng để cấy lúa hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người phụ nữ đó là chị Phạm Thị Thủy, thôn Lam Điền, gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Vợ chồng chị Thủy cấy máy mạ khay để giảm chi phí, tăng năng suất.

Làm dâu nhà nghèo nên chị Thủy cùng chồng không nề hà bất cứ việc gì, từ cày thuê, cuốc mướn, làm cỏ... nhưng cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau. Rồi những đứa trẻ ra đời, cuộc sống càng thêm khó khăn. Thóc thu được từ mấy sào ruộng khoán không đủ ăn tới mùa sau. Chị Thủy nhận thấy muốn phát triển kinh tế gia đình không thể cứ đi làm thuê, làm mướn mãi mà phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu từ đất. Chị bàn với chồng và bắt tay vào thực hiện kế hoạch chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá, xây chuồng nuôi gà, ngan, vịt để tăng thu nhập. Dù gian nan, vất vả song kinh tế gia đình chị Thủy nhờ đó đã được cải thiện đáng kể.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, hơn ai hết chị Thủy hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Chị cũng nhận thấy thu nhập của nông dân hiện thấp và bấp bênh vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đó cũng là lý do khiến diện tích ruộng không cấy tại địa phương ngày càng tăng. Hàng ngày đi qua những mảnh ruộng từng là “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, chị tiếc. Chị Thủy cho biết: Xót ruộng nên tôi cùng chồng xin thuê, mượn lại ruộng của các gia đình không cấy, đầu tư mua 2 máy cấy, 1 máy cày, 1 máy gặt vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa làm dịch vụ cho bà con trong và ngoài xã. Lúc đầu ngoài diện tích ruộng của gia đình tôi chỉ dám thuê, mượn thêm vài mẫu để cấy lúa. Sau thấy hiệu quả tôi mở rộng diện tích. Đến nay gia đình đã tích tụ trên 30 mẫu ruộng của các hộ không cấy ở xã Đông Động và Đông Các, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên việc đồng áng cũng đỡ vất vả. Thực hiện mô hình tích tụ, tôi được Hội LHPN xã tín chấp cho vay vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Những kiến thức đó tôi áp dụng vào trồng, chăm sóc lúa nên lúa của gia đình luôn cho năng suất cao. Mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 100 - 120 tấn thóc, bán được trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình nhận cày bừa trên 80 mẫu ruộng cho bà con, thu được vài chục triệu đồng. Năm 2019 gia đình xin xã cho chuyển đổi 2.000m2 đất nông nghiệp sang làm mạ khay phục vụ cấy máy. Do vậy, diện tích cấy máy mạ khay gia đình từ vài mẫu giờ đã lên gần 100 mẫu, giúp bà con nông dân giảm chi phí, bảo đảm khung thời vụ, giúp xã giảm ruộng bỏ hoang.

Từ mô hình tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa, mỗi năm gia đình chị Thủy thu được khoảng 800 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng, một số tiền ít ai nghĩ có thể đạt được nhờ canh tác lúa. Ngoài ra, để hỗ trợ khâu cày, bừa, cấy, chăm sóc lúa, làm cỏ, chị thuê thêm hàng chục lao động thời vụ với mức giá từ 150.000 - 200.000 đồng/người/công. Từ cách làm hiệu quả của chị Thủy đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân thôn Lam Điền nói riêng, xã Đông Động nói chung. Vì thế, tại xã Đông Động hiện đã có một số hộ tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa với diện tích 5 mẫu trở lên.

Chị Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Động khẳng định: Chị Thủy là tấm gương cho tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu. Chị cũng là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội, gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân chị được các cấp hội phụ nữ biểu dương, khen thưởng, năm 2020 được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen.

Thu Hiền