Thứ 7, 27/04/2024, 07:23[GMT+7]

Phát triển lò sấy lúa - nhu cầu tất yếu

Thứ 5, 15/04/2021 | 10:13:14
3,487 lượt xem
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Việc đầu tư, trang bị lò sấy lúa đang phát triển ở nhiều nơi là nhu cầu tất yếu, qua đó từng bước hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động và bền vững.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất.

Từ năm 2019, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) thuê, mượn ruộng của người dân trong xã để gieo cấy với diện tích 35 mẫu. Không chỉ trang bị máy làm đất, máy cấy, máy gặt, anh Tuân còn tự sản xuất dàn gieo mạ tự động, lắp đặt lò sấy lúa để phục vụ cho gia đình và người dân quanh vùng. Anh Tuân chia sẻ: Trước đây tôi chỉ cấy 5 mẫu ruộng. Diện tích tuy không lớn nhưng đến vụ thu hoạch, thóc lúa phơi kín các trục đường bê tông nội đồng, rất vất vả trong khâu phơi, bảo quản sau thu hoạch. Do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chất lượng hạt gạo sau sơ chế bị ảnh hưởng, thương lái ép giá. Thấy ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất đồng thời đầu tư trang bị lò sấy vừa sấy thóc của gia đình vừa sấy thuê cho bà con. Với công suất 10 - 20 tấn/mẻ, mỗi vụ tôi sấy khoảng 200 tấn, trong đó 70% sấy thuê cho người dân hoặc thương lái thu mua thóc quanh vùng. Để sấy một mẻ lúa mất từ 15 - 18 tiếng, với giá 500.000 đồng/tấn hoặc quy đổi 100kg thóc tươi lấy 75kg thóc khô cùng loại. Dù mỗi vụ, lò “nổi lửa” từ 20 - 25 ngày nhưng chỉ sau 1 - 2 vụ là tôi thu hồi được vốn. Đây là lò sấy được xây bằng những vật liệu rẻ tiền, sẵn có với nguyên tắc hoạt động đơn giản, đốt bằng than, trấu và thổi gió cưỡng bức bằng quạt điện, lúa được sấy khô bằng gió, hơi nóng; tổng đầu tư một lò sấy trên dưới 100 triệu đồng tùy công suất. Không chỉ thương lái mà người dân cấy với diện tích nhỏ cũng rất “chuộng” sấy lúa bằng lò bởi không phải “trông mưa, trông nắng” lại rất nhanh, gọn.

Với ông Đỗ Văn Dân, xã Vũ Quý (Kiến Xương), trang bị lò sấy lúa không chỉ giúp chủ động trong sản xuất mà còn hướng tới nâng cao chất lượng lúa gạo. Nhờ chủ động được khâu chế biến, thóc thương phẩm của ông luôn bảo đảm chất lượng, được doanh nghiệp tín nhiệm, tiêu thụ tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ông Dân cho biết: Hầu hết các loại nông sản đều được nông dân phơi trực tiếp dưới nắng. Khi đưa lúa vào máy xay xát dễ bị nứt vỡ, cho loại gạo tới 25% tấm, thành phẩm chất lượng không bảo đảm nên giá bán không cao. Đặc biệt, khi thời tiết mưa to kéo dài, lại đúng vào thời kỳ thu hoạch rộ (nhất là ở vụ lúa mùa) thường gây ngập nước khiến thóc hay bị lên men, mọc mầm chỉ có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng, gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng do không được làm khô kịp thời và đúng quy trình. So với phương pháp phơi tự nhiên truyền thống, việc đầu tư công nghệ sấy giúp nông dân chủ động trong  thu hoạch, không lệ thuộc vào thời tiết; vận hành máy và kỹ thuật sấy không cần tay nghề cao nên dễ sử dụng. Do được sấy liên tục với nhiệt độ ổn định nên chất lượng, màu sắc gạo tốt hơn; tỷ lệ tấm giảm; độ ẩm hạt thóc đều, bảo quản được lâu hơn nên giá thu mua cũng cao hơn so với thóc phơi truyền thống.

Với những hiệu quả ấy, không chỉ các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo lớn mà các cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn đã và đang đầu tư lò sấy lúa nhằm nâng cao giá trị, tính cạnh tranh cho nông sản, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, những cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng với hệ thống nội đồng ngày càng hoàn chỉnh, bảo đảm cho các loại máy móc nông nghiệp hoạt động dễ dàng nên khâu phơi sấy lúa trong thời gian tới sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, tới đây cần có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là khâu phơi sấy nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất theo chủ trương của tỉnh đã đề ra.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày