Thứ 6, 29/03/2024, 19:52[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão

Thứ 5, 09/07/2020 | 08:18:52
1,522 lượt xem
Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay, huyện Thái Thụy đã và đang tăng cường rà soát, xây dựng các công trình đê, kè, cống, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Thi công đê cửa sông Hữu Hóa, đoạn từ K2+900 đến K7+000, đoạn qua xã Hồng Dũng (Thái Thụy).

Những năm qua, đoạn đê cửa sông Hữu Hóa, đoạn từ K2+900 đến K7+000, qua địa bàn xã Hồng Dũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê lún thấp không bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trước thực trạng trên, tỉnh đã có quyết định phê duyệt cho huyện Thái Thụy lập dự án đầu tư xử lý khẩn cấp đê cửa sông Hữu Hóa, đoạn từ K2+900 đến K7+000. Hiện đoạn đê này đang được thi công xử lý cấp bách với tổng chiều dài gần 3km; mở rộng mặt đê 7m, trong đó cứng hóa bằng đá láng nhựa mặt đê là 6m; cao trình mặt đê bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai. Đến đầu tháng 7, công trình cơ bản được đơn vị thi công hoàn thành nhằm chống tràn nước qua đê khi có bão, lũ lớn xảy ra, tạo điều kiện để huyện chủ động các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài công trình trên, thời gian qua trên địa bàn huyện Thái Thụy đã triển khai xây dựng, tu sửa, nâng cấp nhiều tuyến đê, kè, cống. Năm 2019, từ nguồn vốn trung ương và tỉnh đã đầu tư gần 202 tỷ đồng để tu bổ, xây dựng công trình đê điều trên địa bàn huyện Thái Thụy, trong đó có các hạng mục công trình được đầu tư lớn như: dự án “Tăng trưởng xanh” thực hiện nâng cấp cứng hóa mặt đê đoạn K44+750 đến K51 và K0 đến K4 đê cửa sông tả Trà Lý, kinh phí 130 tỷ đồng; xử lý cấp bách đê sông Hữu Hóa đoạn từ K23+300 đến K26+000 (xã Thụy Việt đến xã Thụy Quỳnh), kinh phí 14,4 tỷ đồng; thi công hoàn thành công trình xử lý khẩn cấp bãi lở kè Liên Khê, đoạn từ K49+780 đến K50+100, kinh phí 4 tỷ đồng; xử lý cấp bách công trình cải tạo mặt đê biển số 7 đoạn K15+200 đến K16+100 (xã Thái Thượng đi xã Thái Nguyên), tổng kinh phí là 7,7 tỷ đồng; xử lý cấp bách kè Thái Hà đoạn K41+500 đến K41+950, tổng kinh phí là 13,2 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đã đầu tư tu bổ, sửa chữa 9 hạng mục công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Ngoài ra, bằng nguồn vốn sự nghiệp và vốn địa phương, UBND huyện tổ chức thi công hoàn thành các công trình: mặt cầu Xá Thị (Thụy Hưng), cống Thắng (Sơn Hà), cống Giải Cờ (Thuần Thành) với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Các HTX SXKD DVNN tu bổ, nâng cấp 21 công trình thủy lợi với tổng kinh phí là 2,71 tỷ đồng từ tiền cấp bù thủy lợi phí; hoàn thành thủy lợi đông xuân với tổng khối lượng được giao nạo vét sông trục tưới, tiêu, đắp bờ vùng, bờ thửa, làm thủy lợi mặt ruộng là 452.663m3, khơi thông dòng chảy là 1,175 triệu m2­­­­­­­.

Nhờ có sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và tỉnh, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện Thái Thụy đến nay đã được đầu tư nâng cấp khá cơ bản, qua đó phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai. Toàn huyện hiện có 87,3km đê đi qua địa bàn 23 xã, thị trấn, trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông, 31,1km đê biển; 64 cống dưới đê; 20 kè lát mái, 28km kè hộ bờ; 2 khu neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên, do là huyện ven biển, hàng năm ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão lớn nên trong quá trình chống chọi với thiên tai, bão, lũ đã khiến một số công trình đê điều trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy còn chứa đựng nhiều nguy hiểm, bất lợi khi mưa, bão. Cụ thể: kè Thiên Kiều (Thuần Thành); đê tả Trà Lý, từ xã Sơn Hà đến Thái Thọ; cống Xuân Hòa, Giáo Lạc (Thái Thọ); đê cửa sông hữu Diêm Hộ đoạn qua xã Thái Nguyên đang thi công; cống Mai Diêm (thị trấn Diêm Điền); cống Cao Cổ và các băng két qua đê tại các xã Thụy Quỳnh, Thụy Liên, Thái Nguyên, Thái Đô...

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Phòng đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư nguồn vốn để tu bổ, nâng cấp các công trình đê, kè, cống bị xuống cấp nghiêm trọng có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trong khi chờ tỉnh đầu tư, huyện cũng chủ động lập phương án xử lý các trọng điểm xung yếu tại những vị trí có các công trình đê, kè, cống quan trọng đang xuống cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong phương án xử lý đã giao cho các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê tại các trọng điểm xung yếu này. Qua công tác kiểm tra của các cụm phòng, chống thiên tai của huyện, đến nay các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện đúng khối lượng, chất lượng và tập kết vào vị trí theo chỉ tiêu được giao.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày